Để sống mãi tinh thần “Những việc cần làm ngay”

(Dân trí) - Cách đây 30 năm, vào ngày 25/5/1987, trên báo Nhân dân xuất hiện một bài báo ngắn, rất ngắn vẻn vẹn có hơn 300 từ với tiêu đề “Những việc cần làm ngay”. Trong bài báo, tác giả có bút danh viết tắt N.V.L đã trực tiếp chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng tăng giá, đồng thời đưa ra một số biện pháp để khắc phục.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ngay lập tức, bài báo gây chấn động dư luận xã hội về sự thẳng thắn, không né tránh thường thấy ở báo chí giai đoạn đó.

Liên tiếp những ngày sau đó (từ 25-30/5), có tới 5 bài báo cùng mang tiêu đề “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L đăng tải. Lúc này thì dư luận xã hội như trong cơn “địa chấn”. Đây được coi là “phát pháo lệnh” mở ra một thời kỳ mới cho Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đánh giá về những thành tựu của Đổi mới, chắc chắn không thể không nhắc đến thành tựu to lớn trong lĩnh vực truyền thông, báo chí. Nếu như báo chí trước đó chủ yếu tuyên truyền người tốt, việc tốt, hạn chế và thậm chí “né tránh” nêu những vụ việc tiêu cực thì từ sau Đại hội VI, cụ thể là sau loạt bài của tác giả N.V.L, đã có một cuộc cách mạng to lớn trong lĩnh vực này.

Từ đây, báo chí không còn chỉ phổ biến, tuyên truyền những chủ trương, chính sách, nêu những tấm gương tốt và các thành tích, thành tựu mà còn mang trong mình trách nhiệm phản ánh cả những mặt chưa tốt, những tiêu cực. Có thể nói, báo chí thời hậu “Những việc cần làm ngay” là tiếng nói đa chiều, phản ánh khá trung thực hiện thực xã hội cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Từ đó, tiến tới báo chí mang tính phản biện như hiện nay.

Vì thế có thể nói, sự trưởng thành của báo chí Cách mạng Việt Nam trong Đổi mới thì người “mở lối” chính là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với 31 bài báo được đăng trên Nhân dân với bút danh N.V.L.

Đã 30 năm trôi qua, nhưng sức sống và sự lan tỏa của “Những việc cần làm ngay” vẫn hết sức mạnh mẽ, là bài học kinh điển của báo chí Cách mạng trên tinh thần nói thẳng, nói thật, nói trên tinh thần xây dựng vì một xã hội tốt đẹp.

Chính vì những lý do đó mà gần đây, báo Nhân dân đã phối hợp với NXB Chính trị quốc gia Sự thật cho biên soạn tác phẩm “Sức sống Những việc cần làm ngay” gồm 3 phần. Phần một tập hợp toàn bộ 31 bài báo của tác giả N.V.L được đăng tải trên báo Nhân dân, từ bài đầu tiên vào ngày 25/5/1987 đến bài cuối cùng ngày 28/9/1990.

Phần hai “Hưởng ứng những việc cần làm ngay” gồm 15 bài, mở đầu là Xã luận được đăng tải ngày 13/7/1987, kết thúc là bài “Làm thầy, làm thợ” của cố Nhà báo Hữu Thọ viết ngày 10/7/1990.

Đặc biệt, trong phần ba “Sức sống “Những việc cần làm ngay” trong giai đoạn hiện nay” đã tập hợp nhiều bài viết của các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số phóng viên của báo Nhân dân.

Nếu trong các tác phẩm của mình, điều nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quan tâm được thể hiện qua các tiêu đề “Nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ với nhân dân, Đảng – Dân một ý chí” hay “Nói thật, làm thật để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”; đối với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là tâm tư trước “Gánh nặng trách nhiệm trước lịch sử và tương lai” thì với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Phấn đấu thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

Đánh giá về phần 3 này, ở phần đầu cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Tư tưởng chủ đạo của phần này là phải coi việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là “Những việc cần làm ngay”; phải trở thành chương trình hành động cụ thể của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và của cả hệ thống chính trị…”.

Cũng trong bài viết, Tổng Bí thư còn bày tỏ sự khen ngợi: “Tôi hoan nghênh báo Nhân dân và NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn sách này. Và mong đồng chí, đồng bào cả nước đón đọc và hưởng ứng mạnh mẽ “Những việc cần làm ngay” trong xây dựng Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII”.

Việc báo Nhân dân cùng với NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách gồm những bài viết của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng không chỉ để nhớ lại một cột mốc lịch sử của nền báo chí Cách mạng Việt Nam mà còn là động lực giúp các nhà báo hôm nay vững tâm trên con đường đấu tranh với cái xấu, cái ác đồng thời khuyến khích, động viên những điều tốt đẹp.

Bùi Hoàng Tám