ĐB Quốc hội phỏng thơ, Chủ tịch nước cam kết và lời tiên tổ

(Dân trí) - "Tại sao Quốc hội không có nghị quyết chính thức về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, trong khi Mỹ và các nước EU đều chính thức có ý kiến?... Là một đảng viên và ĐB Quốc hội, tôi cũng thấy không biết nói với cử tri thế nào khi dân hỏi về thái độ của Quốc hội đối với vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa”. Ông Long nói.

ĐB Quốc hội phỏng thơ, Chủ tịch nước cam kết và lời tiên tổ - 1

Tại kỳ họp 11, có lẽ do là kỳ họp cuối cùng của QH 13 nên nhiều đại biểu rất “tâm tư”, nhất là về biển Đông.

Trên báo Dân Việt ngày 24/3, tại nghị trường, ĐB Trần Đình Long (Đăk Nông) bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi “hàng ngày ngư dân ta vẫn bị Trung Quốc xua đuổi đe dọa ngay trên vùng biển Trường Sa. Tại sao Quốc hội không có nghị quyết chính thức về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa, trong khi Mỹ và các nước EU đều chính thức có ý kiến?... Là một đảng viên và ĐB Quốc hội, tôi cũng thấy không biết nói với cử tri thế nào khi dân hỏi về thái độ của Quốc hội đối với vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa”. Ông Long nói.

ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cho biết: “Cử tri mong muốn Quốc hội mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và cần có tuyên bố trong vấn đề Biển Đông. Nhiều cử tri hỏi tại sao chúng ta không có tiếng nói mạnh mẽ hơn”.

ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, Quốc hội đã làm được nhiều việc, nhưng đáng tiếc là chưa có thêm quyết sách, quyết định công bố trước toàn dân về quyết tâm bảo vệ chủ quyền, nhất là trong thời điểm nhiều thách thức: "Nếu làm được vậy thì nhân dân, cử tri cả nước sẽ hài lòng hơn với Quốc hội".

Thậm chí, có những ý kiến quyết liệt và thẳng tưng như của Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam). Ông Lai nói:

“Tôi ngạc nhiên khi trong tất cả báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan đánh giá về Biển Đông đều cho rằng “đảm bảo chủ quyền, lợi ích quốc gia”. Đánh giá “đảm bảo chủ quyền quốc gia” trong khi người ta xây sân bay, kéo pháo hạm, đưa máy bay tiêm khích, o ép dân, cướp bóc dân, thậm chí là giết dân… Người ta sắp tuyên bố những điều xâm phạm tới chủ quyền như là dùng các chuyến bay cắt ngang các chuyến bay truyền thống được quốc tế công nhận”.

Riêng ĐB Trương Trọng Nghĩa, một tiếng nói thẳng thắn trên nghị trường không chỉ ở các phiên chất vấn lần này phải viện đến cả thi ca “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/ Mất cả đất liền, cả biển sâu” - (Câu này ĐB Nghĩa đã phỏng theo của Tố Hữu. Trong bài “Tâm sự” (trả lời một bạn văn nước ngoài) được in trong tập Ra trận (1972), nguyên văn: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc - Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”).

Trước khi phỏng câu thơ này, ĐB Nghĩa đã bày tỏ sự băn khoăn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, chúng ta đang phải đối diện với cả ngoại xâm và nội xâm (tệ nạn tham nhũng). Về ngoại xâm, ĐB Nghĩa bày tỏ: “Chúng ta đang bị xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm bằng sức mạnh cứng và sức mạnh mềm. Việc xây dựng và phát triển đất nước đang bị đe dọa và thách thức nghiêm trọng”.

ĐB Nghĩa còn dùng hình tượng nỏ thần của Đức vua An Dương Vương: “Nỏ thần của chúng ta chính là lòng yêu nước của hơn 90 triệu đồng bào hợp thành khối đại đoàn kết dân tộc, nhờ nó mà đất nước, dân tộc này tồn tại hơn 4.000 năm qua. Nhờ nó mà dân tộc Việt Nam sẽ giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ…”.

Sự lo ngại của các ĐB là có thật và hoàn toàn chính đáng. Song, điều tối thượng của mọi triều đại là phải bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng bất cứ giá nào.

Trong lời phát biểu sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định “kiên quyết, kiên trì đấu tranh để giữ vững thống nhất, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia”.

Ngay tại thời điểm này, Bộ đội biên phòng Hải Phòng vừa bắt 1 tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam. Dù bất cứ gia nào, chúng ta cũng không được để “Mất cả đất liền lẫn biển sâu” bởi như vậy là mang tội với tổ tiên. Vẫn còn đây bài học Nỏ thần và lời của di chúc của vua Trần Nhân Tông (1279 – 1293) để mỗi công dân Việt Nam cùng suy nghĩ và hành động:

“Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp. Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta muốn lời nhắn nhủ này như một di chúc cho con cháu muôn đời sau”.

Bùi Hoàng Tám