Dân đếm xe qua trạm thu phí, được chứ tại sao không?

(Dân trí) - Vừa qua, câu chuyện một nhóm khoảng 10 người dân xuất hiện ở khu vực trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa) với động thái rất lạ: Đếm xe đã gây nhiều ý kiến tranh cãi là việc đó là đúng hay sai?

m_cong-khai-bot.jpg

 

Như Dân trí đã đưa tin, kể từ 26/2 cho đến những ngày gần đây, tại khu vực trạm thu phí BOT Ninh Lộc (Khánh Hòa), xuất hiện một nhóm người đến dựng lán, đặt ghế để làm mỗi một việc: Đếm xe qua trạm thu phí.

Qua phản ánh, trao đổi của báo chí với một số người trong nhóm trên thì có thể thấy, đó là những người dân bình thường, trong đó có cả một số lái xe, họ đến để đếm lượng phương tiện ô tô qua trạm vì không tin vào số liệu do doanh nghiệp, cơ quan quản lý công bố.

Thế nhưng, phía chủ đầu tư và ngay cả Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại lo ngại về chuyện này và đã có văn bản đề nghị lên tận Chính phủ và các bộ can thiệp. Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn cho biết sẽ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc xem xét, xử lý.

Có thể nói, việc chủ đầu tư đề xuất Chính phủ và các bộ can thiệp rồi việc Tổng cục Đường bộ đưa ra phát ngôn trên mới chính là đề xuất, phát ngôn bất hợp lý.

Đã từ nhiều năm nay, Nhà nước đã đặt ra nhiều quy định pháp luật để phát huy, thúc đẩy quyền giám sát của nhân dân. "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra", là câu khẩu hiệu đã được treo trên băng rôn, tường... trên rất nhiều đường phố, con đường ở đa số các tỉnh, thành phố,  khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước là thừa nhận, khuyến khích người dân thực thi kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan công quyền, của doanh nghiệp để đảm bảo các hoạt động đó phải đúng pháp luật, phục vụ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Trong hệ thống văn bản pháp quy của Nhà nước các năm qua cũng đã có nhiều quy định tạo điều kiện cho người dân giám sát tại chỗ việc đầu tư, thi công nhiều công trình, dự án từ lớn đến nhỏ có sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tránh tham nhũng, tiêu cực, thất thoát vốn và tài sản nhà nước. Nhờ đó, ở nhiều nơi, đã có những vụ việc cho thấy, có sự tham gia giám sát của người dân, nhiều vụ việc tiêu cực, làm trái đã sớm bị phát hiện, nhờ đó, vốn nhà nước được bảo toàn.

Vụ một người dân ở Quảng Ngãi đã phát hiện nhiều dấu hiệu gian lận trong việc tổ chức thi công đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi cuối năm 2018 là một ví dụ tiêu biểu về hiệu quả của việc người dân tham gia giám sát.

Vì thế cho nên, việc lo ngại, rồi có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan công an từ phía chủ đầu tư dự án hay từ Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị can thiệp, xử lý người dân "đếm xe" qua trạm thu phí là việc không phù hợp, trái với chủ trương của Nhà nước về việc khuyến khích người dân kiểm tra, giám sát trên địa bàn.

Việc xuất hiện nhóm người dân đến khu vực trạm thu phí BOT Ninh Lộc cần nhìn nhận như là một dấu hiệu tích cực cho thấy, người dân đã nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình đến những vấn đề liên quan đến lợi ích của mình. Cơ quan quản lý nhà nước phải tạo điều kiện, thậm chí hỗ trợ, giúp người dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát.

Nếu cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đảm bảo việc thu, chi tại trạm này là đúng  và công khai, minh bạch được các thông tin về số thu, số lượt phương tiện qua trạm thì chắc rằng, người dân đã không đến nỗi mất lòng tin, để bỏ công, bỏ việc nhà của mình để đi "đếm xe" kiểm tra lại thông tin từ cơ quan nhà nước.

Tất nhiên, về phía người dân, dù có quyền kiểm tra, giám sát cũng cần phải thực hiện quyền đó đúng quy định của pháp luật: Không thâm nhập vào khu vực cấm, không gây mất trật tự, đưa các thông tin không chính xác lên mạng xã hội...

Họ có thể chọn một khu vực khác, có thể cách trạm thu phí ở một khoảng cách nhất định để thực hiện quyền giám sát của mình mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động thu phí của trạm thu phí này.

 

Mạnh Quân