Cử nhân thất nghiệp “đông như quân Nguyên”

(Dân trí) - 72.000 cử nhân dang thất nghiệp hiện nay trên cả nước, đó là công bố của Bộ Lao động Thương bình và Xã hội. Chưa kể nhiều cử nhân có việc nhưng làm công nhân hay những công việc không thuộc chuyên môn, chỉ kiếm sống tạm thời.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

 (Minh họa: Ngọc Diệp)

 

Nhu cầu sử dụng lao động của xã hội có giới hạn, nhưng đào tạo lại không tính tới giới hạn đó, cho nên xảy ra hậu quả  cử nhân thất nghiệp như hiện nay là không thể tránh khỏi. Phân tích con số 72.000 cử nhân thất nghiệp vừa công bố, có thể thấy rằng thiếu một bàn tay “đạo diễn” tài năng để kết hợp các vai diễn trên thị trường lao động và thị trường đào tạo. Mạnh ai nấy dạy, bất kể sinh viên đi đâu về đâu.

 

Trường đại học mọc lên khắp nơi như sân golf, tỉnh nào cũng đua nhau mở trường. Bộ Giáo dục Đào tạo cũng khá hào phóng trong việc này, xin thì cấp phép, nhiều trường không xứng để gọi là đại học nhưng cũng cứ cấp phép. Hậu quả chính là hàng ngàn sinh viên ra trường lang thang tìm việc. Có nhiều bạn vì không có việc làm nên phải tự “giải quyết việc làm” bằng cách học thêm bằng đại học khác, hoặc học lên thạc sĩ để tăng sức cạnh tranh.

 

Không chỉ cử nhân “đông như quân Nguyên”, mà thạc sĩ cùng hùng hậu. Lực lượng này tiếp cận với các cơ quan, doanh nghiệp, nhưng tỉ lệ có việc làm rất thấp. Báo chí từng đưa tin thạc sĩ đi bán trà đá, cử nhân đi bỏ báo. Một sự lãng phí khủng khiếp.

 

Ngược lại, từ phía doanh nghiệp, họ có những nhận định lạnh lùng theo kiểu thị trường. Có những khâu chỉ cần thợ, họ không việc gì phải thuê “thầy”. Các ông cử vặn con ốc không xong, sửa bóng đèn không được, chuyên môn cao thì doanh nghiệp không càn tới. Có những vị là thạc sĩ, khi phỏng vấn đòi lương cao, nhưng thử việc thì không đạt yêu cầu, kỹ năng thua xa một nhân viên thạo việc. Doanh nghiệp không dại dột để thuê người không làm được việc mà lại trả lương cao.

 

Doanh nghiệp thời này không mấy tin cậy vào bằng cấp, kể cả sinh viên tốt nghiệp từ nước ngoài, thì bằng cấp chỉ là thủ tục sơ giao. Còn trước khi tuyển dụng luôn có những sát hạch gắt gao, người có khả năng thực sự mới lọt qua cửa, còn năng lực yếu thì ôm đống bằng cấp về nhà xem chơi. Hiện thực phủ phàng, nhưng tình trạng thất nghiệp hiện nay làm cho giới trẻ giật mình tỉnh ngộ, phải nhận thức rằng chỉ có thực tài mới tồn tại.

 

Trở lại phân tích trên, ngoài thiếu một bàn tay điều hành ra, nguyên nhân của tình trạng dư thừa cử nhân, thạc sĩ là do dân mình quá chuộng hư danh, trọng bằng cấp. Ai cũng muốn cho con mình học đại học, kể cả những trường chỉ học đại khái cũng có bằng. Cho nên cho ra lò số lượng cử nhân đông nhưng kém thực chất.

 

Đừng chờ đợi sự điều tiết giữa chiến lược đào tạo và  thị trường lao động theo những lý thuyết vĩ mô, mà mỗi cá nhân, gia đình phải tự cứu mình bằng việc lựa chọn ngành nghề phù hợp và học hành nghiêm túc. Chọn học trung cấp kỹ thuật cao mà có việc làm ổn định còn hơn làm ông cử nhưng đói rã họng vì thất nghiệp.

 

Lê Chân Nhân

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!