72.000 cử nhân thất nghiệp do chưa có dự báo nguồn nhân lực
(Dân trí) - “Ngành GD-ĐT chưa có điều kiện khảo sát tổng thể trên phạm vi cả nước để biết ngành nào thừa, ngành nào thiếu nhằm định hướng cho các trường đào tạo….”.
PGS, TS Phạm Văn Sơn, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực, Bộ GD-ĐT cho biết như vậy khi trao đổi với PV Dân trí.
Tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn ngành
Vừa qua, theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Là đơn vị Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực của Bộ GD-ĐT, ông nghĩ sao về con số này?
Tôi nghĩ con số thống kê số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong quý IV/2013 của 2 cơ quan Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố là điều cần phải suy nghĩ. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng việc thiếu việc làm cho sinh viên (SV) tốt nghiệp là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, tôi nghĩ khái niệm thất nghiệp ở nước ta chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể, chính xác nên có thể trong số này có những SV tốt nghiệp đã có việc làm nhưng không phù hợp với ngành nghề đào tạo, hoặc có việc làm nhưng mức thu nhập thấp SV không làm việc, công việc làm theo thời vụ… nên làm cho số lượng SV tốt nghiệp bị thất nghiệp khó thống kê chính xác.
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ LĐ-TB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố, trong quý IV-2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ. Trong ảnh: Sinh viên tham dự một hội chợ việc làm tại Hà Nội.
Có ý kiến cho rằng, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường ĐH, CĐ chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi nghĩ các ý kiến nhận định cũng có phần đúng. Vì theo đánh giá của các tổ chức lao động quốc tế và người sử dung lao động trong nước nhân lực cho thấy chất lượng nhân lực của nước ta còn thấp, nhiều SV tốt nghiệp khi được tuyển dụng phải qua đào tạo lại từ 3 đến 6 tháng mới thực hiện được công việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh những cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng thì còn một số trường đào tạo, nhất là các trường mới thành lập hoặc mới được nâng cấp lên ĐH do chưa đủ nguồn lực, đội ngũ cán bộGD thiếu và yếu, chưa bắt kịp xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp nên chất lượng sản phẩm đào tạo thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Đào tạo tràn lan, không gắn với sử dụng nhân lực đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý xã hội và gây tốn kém, lãng phí lớn. Theo ông giải pháp nào để thu hẹp khoảng cách cung - cầu về nguồn nhân lực?
Đúng là như vậy. Nếu cứ tình trạng này thì còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của các cơ sở đào tạo có chất lượng và toàn ngành. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã thấy được điều đó. Cách đây gần 5 năm Chính phủ đã có chủ trương và ngành GD đã thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đây có thể nói là giải pháp tổng thể quan trọng để khắc phục tình trạng đào tạo tự phát không theo nhu cầu xã hội, nhằm khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực ở các ngành nghề, vùng miền, ở các tổ chức, doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nhưng tiếc rằng do nhiều nguyên nhân nên giải pháp này đến nay các nhà trường thực hiện chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao.
Theo tôi, ngoài giải pháp tổng thể này, chúng ta từ cơ quan quản lý đến cơ sở đào tạo cần phải tiến hành các giải pháp cụ thể như: tập trung nghiên cứu phân tích kịp thời, đầy đủ nhu cầu của thị trường lao động, xu hướng phát triển ngành nghề ở trong nước, khu vực và trên thế giới, tâm lý và xu hướng của người học vì hiện nay nhiều SV học chỉ để lấy bằng chứ chưa phải học để lây kiến thức để hành nghề và lập nghiệp. Để chủ động tạo được nguồn tuyển sinh đào tạo ngành đang và sẽ có xu hướng thiếu hụt nhân lực như: các ngành kỹ thuật công nghệ, các ngành lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, ngành khai thác kinh tế biển, một số ngành dịch vụ có điều kiện khó khăn… thì Nhà nước nhanh chóng có chính sách và cơ chế hợp lý để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học vào các ngành xã hội đang và sẽ có nhu cầu lớn... Có như vậy mới hy vọng thu hẹp được khoảng cách cung - cầu nhân lực hiện nay.
Chưa có điều kiện khảo sát ngành thừa, ngành thiếu nhân lực
Có phải chúng ta rất ít những kênh dự báo nguồn nhân lực nên mới dẫn đến sự dư thừa ngành nghề, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao?
Đây cũng là một trong số các nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến công tác đào tạo và sử dụng nhân lực nhưng không phải hoàn toàn như vậy.
Từ khi thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về Quy hoạch phát triển nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội nhà nước đã chú ý phát triển kênh dự báo nhu cầu nhân lực tại các cơ quan TƯ và địa phương như:Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch Đầu tư), Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm (Bộ Lao động- TB-XH); Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT), Trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo (Viện KHGDVN- Bộ GD&ĐT),Trung tâm thông tin và dự báo thị trường lao động (TPHCM)… Cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 601 về Xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia giao Bộ KHĐT chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTBXH và các bộ thực hiện.
Nhưng theo tôi, nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu việc làm là do kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp phạm vi sản xuất kinh doanh (ví dụ ngành ngân hàng) không những không tuyển thêm mà còn cắt giảm nhân công, vị trí việc làm rất nhiều. Đây là nguyên nhân chính làm cho dư thừa lao động.
Nếu vậy, ngành GD đã khảo sát thị trường lao động để biết được ngành nào thừa thiếu, ngành nào thiếu để định hướng cho các trường đào tạo chưa, thưa ông?
Tôi được biết, ngành GD-ĐT chưa có điều kiện để khảo sát tổng thể trên phạm vi cả nước để biết ngành nào thừa, ngành nào thiếu nhằm định hướng cho các trường đào tạo. Bởi vì đây là việc rất khó khăn, phải có các điều kiện, nguồn lực nhất là đội ngũ thực thi và kinh phí chi cho khảo sát điều tra. Tuy nhiên, những năm qua đã có một số cơ quan nghiên cứu giáo dục, cơ sở đào tạo đã tiến hành khảo sát trên phạm vi hẹp, với số ngành chủ yếu. Ví dụ khi xây dựng Đề án giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm Trung tâm hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực Bộ GD-ĐT đã khảo sát ở các tỉnh, thành phố và các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ, cơ quan quản lý nhân sự số lượng, nhu cầu nhân lực đến năm 2020 của tỉnh, của các doanh nghiệp.
Thời gian qua, Trung tâm chúng tôi cũng đã khảo sát nhu cầu nhân lực 3 ngành CNTT, Giáo dục, y tế của 15 tỉnh miền núi phía Bắc, có đề tài điều tra nhu cầu nhân lực của ngành tài chính ngân hàng. Trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực thuộc Viện KHGDVN cũng có những khảo sát về nhu cầu đào tạo các ngành nghề, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQGHN cũng có một đề tài khảo sát nhu cầu nhân lực các ngành KHXH&NV… các trường ĐH, CĐ phía Nam cũng đã khảo sát các nhu cầu đào tạo các ngành liên quan đến trường.
5 năm tới, ngành kỹ thuật công nghệ cần nhiều nhân lực
Vậy, theo ông trong 5 năm tới, ngành nào thiếu nhân lực và ngành thừa nhân lực? Và ông có lời khuyên gì cho các thí sinh trong đợt thi đại học năm nay và năm tiếp theo?
Nhu cầu nhân lực của nước ta đã được dự báo và phản ánh rất cụ thể trong Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Trong Quy hoạch này đã chỉ rõ nhu cầu nhân lực của từng vùng, từng ngành, từng trình độ đào tạo. Hiện nay nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới và vì vậy việc phát triển nhân lực cũng phải tính đến đào tạo “người công dân toàn cầu” để thích nghi và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước, khu vực và thế giới.
Theo các thông tin cập nhật và qua thực tiễn làm quy hoạch nhân lực, tôi thấy trong 5 năm tới nhu cầu nhân lực các ngành kỹ thuật công nghệ sẽ tăng lên, nhất là nhân lực kỹ thuật cho các khu kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp, các vùng mà nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế.
Tôi nghĩ các em học sinh chuẩn bị rời ghế nhà trường phổ thông trung học nên suy nghĩ, cân nhắc đúng để chọn cho mình một nghề vừa hợp với sở thích, khả năng, cá tính, giá trị song và phù hợp với xu hướng phát triển nghề nghiệp của thời kỳ hội nhập và nhu cầu nhân lực của xã hội trong thời kỳ đổi mới.
Để hiểu biết sâu rộng nghề nghiệp các em nên tìm hiểu thông tin từ các nhà tư vấn nghề nghiệp, các thầy cô giáo làm công tác hướng nghiệp, tham khảo ý kiến của cha mẹ, người thân, bạn bè và các anh chị đi trước. Các em không nên chọn nghề theo cảm tính, theo“ phong trào”. Có như vậy các em mới chọn được nghề tương lai phù hợp với mình và lúc đó các em sẽ yêu nghề đã chọn, có ý thức tự giác nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề và chắc chắn các em sẽ đạt kết quả cao trong nghề mình đã chọn. Chúc các em thành công.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Hạnh (thực hiện)