Cụ bà U80 nuôi cháu mồ côi và một chuyện “đẹp hơn nước mắt”!
(Dân trí) - Câu chuyện về cụ bà Nguyễn Thị Ba ở khu phố Bình Nghĩa (phường 6, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) được phóng viên báo điện tử Dân trí phản ánh trong bài “Bà lão gần 80 tuổi nhặt phế liệu nuôi cháu mồ côi ăn học” đã làm xúc động nhiều bạn đọc.
Theo thông tin từ bài báo, số phận hẩm hiu đeo bám suốt cuộc đời cụ Ba. Hai lần lập gia đình, cả hai lần đều tan vỡ. Bốn đứa con nhưng cuối đời, bà phải nuôi đứa cháu ngoại.
Bà Ba kể: “Khi cháu Phúc (cháu ngoại bà Ba, con của người con gái út - đã mất) mới ra đời, tôi còn sức khỏe nên có thể làm thuê, làm mướn nên hai bà cháu cũng tạm sống qua ngày. Thế nhưng, hơn chục năm nay sức khỏe yếu, tôi chỉ còn cách nhặt phế liệu kiếm được đồng nào hay đồng nấy”.
Hàng ngày, bà Ba dậy từ 3 giờ sáng để đi khắp các con phố nhặt phế liệu từ vỏ nhựa, giấy vụn, vỏ lon bia… Tuổi cao, bà không thể vác vật nặng được nên lúc nào cũng dắt theo chiếc xe đạp rồi chất phế liệu lên để đẩy về nhà. Mỗi ngày bà kiếm nhiều nhất chỉ 30 ngàn đồng, có những ngày chỉ vài ngàn đồng, thậm chí chẳng được đồng nào.
Để tiết kiệm chi phí, hai bà cháu thường xuyên ăn cơm chay với rau, nước tương, đậu hũ. Theo tính toán của bà, ăn chay chỉ tốn 10.000 đồng/ngày nên hai bà cháu mỗi tháng ăn chay khoảng 15 ngày để giảm chi phí.
Hàng ngày sau giờ học, Phúc phụ bà đi nhặt phế liệu bán kiếm tiền. Nói về ước mơ, Phúc cho biết: “Con rất thích nghề thợ điện và có việc làm ổn định để làm ra tiền trả lại công ơn nuôi dưỡng của bà ngoại. Năm nay con đang học lớp 12, dự kiến sau khi tốt nghiệp con sẽ vô trường SOS ở gần nhà để học nghề 1 năm rồi sẽ đi kiếm việc làm”.
Còn bà Ba thì tâm sự: “Tôi ráng sống, nhặt nhạnh phế liệu bán để nuôi đứa cháu ngoại mồ côi học hết lớp 12 rồi có chết cũng an lòng!”.
Mùa xuân đang đến rất gần, trời đất đang chuyển mình sang một năm mới với bao ước mơ và hi vọng. Ở năm thứ 17 của thế kỉ XXI nhưng trên mảnh đất Việt Nam yêu thương của chúng ta vẫn còn có những cuộc đời cơ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc… trong đó không ít là những cụ già và các em thơ.
Thế nhưng dù trong khốn khó, các cụ bà, các người mẹ vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên giúp cho cháu con một ngày mai tươi sáng bằng một tấm lòng nhân hậu, hi sinh hiếm thấy.
Chợt nhớ lại bài thơ mình “chuyển thể” từ một bài báo được đăng tải trên Dân trí về một câu chuyện "đẹp hơn nước mắt" mang tựa đề “Bà lão bán rau”:
(Minh họa: Ngọc Diệp)
BÀ LÃO BÁN RAU
Giữa phố phường đông đúc
Một giọng nói thều thào:
- Ơi các cô, các chú
Mua giùm tôi mớ rau…
Cô gái trẻ bước ngang
Tay lật mồm chan chát:
- Rau của bà héo nát
Lợn cũng không thèm ăn…
Bà cụ chừng tủi phận
Giọt lệ già rưng rưng
Cuối trời mây vần vũ
Báo một ngày gió giông
Chờ cô gái đi khuất
Chàng trai giọng nghẹn ngào:
- Bà ơi cháu mua hết
Tất cả là bao nhiêu…
- Sao chú mua nhiều thế?
- Dạ thưa, đâu có nhiều
Cháu mua giùm các bạn
Cho cháu gửi đến chiều…
Bữa ấy trong phòng ấm
Anh làm việc mê say
Ngoài trời mưa tầm tã
Gió gào trên ngọn cây…
Bao nhiêu là dự định
Anh cố làm cho xong
Có ngờ đâu ngoài phố
Cụ già mòn mỏi mong
Ai hỏi mua cụ bảo
Rau có người mua rồi
Cháu nó nhờ tôi giữ
Lát nữa về đấy thôi…
Mưa mỗi lúc một lớn
Gió mỗi lúc một to
Trời mỗi lúc một tối
Bà cụ càng co ro…
Một buổi chiều chủ nhật
Anh đi dạo phố phường
Chợt nhớ về bà lão
Từng bán rau bên đường
Và giật mình khi biết
Cụ chờ mình đến khuya
Tuổi già nên cụ đã
Về thế giới bên kia
Mấy tháng trời ròng rã
Anh như thành ngẩn ngơ
Những con người tử tế
“Hồn ở đâu bây giờ! - VĐL”
Bùi Hoàng Tám