Con tàu Santa Catarina và sự lộng hành của Trung Quốc
(Dân trí) - “Theo quan điểm của tôi, Singapore sẽ kỷ niệm năm độc lập thứ 50 trong năm nay, cần phải ghi nhớ sự kiện Santa Catarina xảy ra 412 năm trước đây, bởi nó đã thúc đẩy sự phát triển của luật pháp quốc tế và nó chỉ xảy ra ngay bên ngoài bờ biển Changi”, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore – ông Navin Rajagobal đã viết trên nhật báo Straits Times số ra mới đây.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Santa Catarina là tàu buôn Bồ Đào Nha. Thời đó, người Bồ Đào Nha muốn “độc bá võ lâm” trên thương trường châu Á. Họ sử dụng vũ lực cản trở người Hà Lan đến các các cảng biển và thị trường cháu Á. Ngày 25.2.1603, người Hà Lan đánh cướp tàu Santa Catarina của Bồ Đào Nhà trên vùng biển Changi để thể hiện sự chống lại sự độc quyền thương mại của người Bồ Đào Nha, bảo vệ quyền tự do thông thương của tất cả các nước. Người Hà Lan đã làm một việc rất có ý nghĩa từ cuộc đánh cướp lịch sử này.
Sự kiện Santa Catarina nhìn bên ngoài rất phi pháp nhưng lại làm thay đổi nhận thức của các nhà lập pháp quốc tế, đó là xây dựng quy tắc pháp luật căn bản, cho phép các quốc gia sử dụng các vùng biển xa để hoạt động phục vụ cho giao thương. Thế giới không thể để một quốc gia nào được quyền làm bá chủ một vùng biển, muốn tác oai tác quái như ao cá nhà mình. Cho dù quốc gia đó có hùng mạnh đến mấy, cũng không được dùng vũ lực để khống chế các vùng biển cho riêng mình khai thác, cấm cản tự do thông thương của các quốc gia khác.
Những bộ óc tiến bộ của nhân loại đã nghĩ ra các quy định phù hợp giúp cho con người văn minh hơn, công bằng hơn.
Vậy mà hơn 400 năm sau, Trung Quốc lại đi lùi lịch sử, trở lại não trạng độc bá của người Bồ Đào Nha bốn thế kỷ trước. Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò, và tự cho mình cái quyền “cai trị” trên cái lưỡi bò tham lam đó. Trung Quốc muốn đi lùi vào quá khứ hoang dã thì họ cứ đi, còn nhân loại văn minh vẫn cứ tiến bước vào xa lộ văn minh trước mắt. Trung Quốc bất chấp pháp luật quốc tế và muốn hành động như người Bồ Đào Nha thì cộng đồng quốc tế sẽ có những phản ứng phù hợp để bảo vệ quyền thông thương và chủ quyền của các quốc gia.
Hiện nay, Trung Quốc bịt tai không nghe dư luận thế giới, họ đang dốc sức và gấp gáp xây dựng các công trình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ không chỉ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, mà đang đe dọa an ninh hàng hải, đang uy hiếp quyền tự do thông thương của nhiều quốc gia khác.
Ngày 24/2 vừa qua, tại Lễ Kỉ niệm 1975 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang đã thay mặt cho nhân dân cả nước khẳng định quyết tâm bảo vệ sự vẹn toàn Tổ quốc: "1975 năm trước, hai nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị đã khởi nghĩa, đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, giữ yên bờ cõi, giành độc lập cho dân tộc. Ngày nay, tiếp bước truyền thống yêu nước và ý chí chống giặc kiên cường đó, chúng ta, những con người của thời đại hôm nay, quyết tâm xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc giang sơn gấm vóc Việt Nam.
Việt Nam có chính nghĩa, có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, có sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và với biết bao kinh nghiệm máu xương; nhất định chúng ta sẽ xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu, không để mất “một thước núi, một tấc sông” của ông cha ta để lại, vươn lên sánh vai cùng bạn bè năm châu. Mất một ly, một lai lãnh thổ là có tội với tiền nhân; để nước ta mất độc lập, tự chủ cũng là không xứng đáng với sự hy sinh to lớn của Hai Bà Trưng”.
Việt Nam luôn sát cánh cùng cộng đồng thế giới quyết “bảo vệ vững chắc giang sơn gấm vóc”, không để cho Trung Quốc mặc sức lộng hành./
Lê Chân Nhân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!