Cơ quan công quyền và chuyện nhận quà tặng đắt tiền
(Dân trí) - Từ cuối năm 2016, việc UBND tỉnh Ninh Bình đã từ chối nhận 3 xe đắt tiền của một doanh nghiệp tặng tưởng như đã là một tiền lệ để các địa phương khác tham khảo. Tuy nhiên, vụ UBND tỉnh Cà Mau mới đây lại nhận xe của doanh nghiệp tặng cho thấy, Chính phủ cần có quy định rõ ràng hơn với với vấn đề cho, nhận với cơ quan công quyền.
Trước nay, ở Việt Nam, khi đón các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, các cơ quan, các bộ, các địa phương có thói quen tặng, cho một số tặng phẩm. Tuy nhiên, đã có hiện tượng được ghi nhận là đôi khi, các cá nhân, đoàn công tác nước ngoài đến Việt Nam, vì nể thịnh tình cho tặng ấy họ nhận lúc được trao. Nhưng khi ra sân bay thì họ để lại vì lý do khi đưa về nước hoặc sẽ không được chấp nhận, hoặc phải kê khai rất phức tạp.
Bởi vì hầu hết các nước đều có quy định khá chặt chẽ về việc nhận quà tặng, quá giá trị bao nhiêu thì không được phép nhận. Cho nên, nhiều đoàn sang Việt Nam đã từ chối hoặc họ để lại sân bay ở Việt Nam để tránh rắc rối.
Tuy nhiên, với việc tỉnh Cà Mau mới đây nhận 2 xe ô tô trị giá lên tới 6,2 tỷ đồng là một tình huống gây tranh cãi vì qui định của Nhà nước hiện nay đã có nhưng cũng có điểm không rõ ràng.
Cụ thể, theo Quy chế về viêc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và cán bộ, công chức theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ ngày 10/6/2007) tuy cũng quy định khá cụ thể.
Quy chế này nêu rõ: "Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng, nhận thay người khác trong những trường hợp: cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý; quà tặng của các cơ quan, đơn vị và cá nhân mà việc tặng quà đó không rõ mục đích, hoặc có mục đích liên quan đến các hành vi tham nhũng…".
Tuy nhiên, đáng chú ý, các quy định về cho, tặng quà hiện hành cũng lại cho phép các tổ chức cá nhân được tặng quà cho cơ quan nhà nước. Nghị định 29/NĐ-CP/2014 ban hành năm 2014 của Chính phủ cũng quy định rõ việc xác lập quyền sở hữu nhà nước với các tài sản do cá nhân, tổ chức tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước, với đầy đủ các căn cứ và thủ tục có liên quan.
Quy định hiện hành cũng quy định về tiêu chuẩn, định mức nhận quà tặng. Như buộc cơ quan nhận quà tặng phải áp dụng đúng định mức, tiêu chuẩn như về sử dụng xe công, thì xe chức danh và xe phục vụ công tác chung có trị giá tối đa là 1,04 tỉ đồng.
Nhưng đáng chú ý, nếu là xe chuyên dùng như để phòng chống lụt bão, đê điều... thì giá trị lại không khống chế đối với xe là quà tặng. Thì ở đây, lo ngại có sự "nhập nhèm" là không phải không có cơ sở. "Ai biết được ma ăn cỗ", ai biết được những chiếc xe đắt tiền được tặng đó lúc nào thì đi phòng, chống lụt bão, có lúc nào phục vụ riêng lãnh đạo hay không?
Cho nên, cuối năm 2016, tỉnh Ninh Bình cũng đã được tặng 3 xe (trị giá 6,6 tỷ đồng) và đã báo cáo Bộ Tài chính làm thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà nước do quà tặng là ô tô có giá trị trên 500 triệu đồng. Nhưng do những dị nghị từ dư luận mà Ninh Bình, dù đã làm một số thủ tục nhưng đã rút lại đề nghị trên.
Với việc UBND Cà Mau nhận xe của doanh nghiệp tặng nếu về phục vụ công tác chung thì đã không đúng tiêu chuẩn, định mức. Nhưng ở đây, thực tế, UBND tỉnh Cà Mau đã không báo cáo là những xe được tặng này có để chuyên dùng phòng, chống lụt bão hay không.
Do đó, ở đây ở chuyện không rõ ràng mà nếu tỉnh chưa khẳng định được đó là xe chuyên dùng tặng cho UBND tỉnh để dùng vào việc phòng, chống lụt bão thì theo qui định hiện hành, UBND tỉnh Cà Mau phải từ chối và Bộ Tài chính không chấp nhận để làm thủ tục xác lập quyền sở hữu.
Nhưng có một việc sai rõ ràng là trong khi chưa được chấp nhận thì người ta đã cấp biển xanh 80A cho 2 chiếc xe trên, vi phạm quy định về cấp biển số xe công theo quy định của Chính phủ. Chính vì điều này, UBND tỉnh Cà Mau tuần qua đã vội vã cho gỡ 2 biển 80A này.
Hơn nữa, theo phát hiện của một số cơ quan báo chí như Lao động, Pháp luật TP Hồ Chí Minh, đã có những dấu hiệu cho thấy UBND tỉnh Cà Mau cũng có châm chước nhất định cho doanh nghiệp tặng xe. Về điều này, cơ quan nhà nước cần có sự kiểm tra. Nếu đúng như vậy, buộc UBND tỉnh Cà Mau trả lại những chiếc xe đắt tiền cho doanh nghiệp là việc cần làm.
Cũng từ 2 việc cho và nhận xe, cách xử lý khác nhau của UBND 2 tỉnh: Ninh Bình và Cà Mau, đối chiếu qui định của Nhà nước hiện hành cũng như thông lệ ở các quốc gia khác, có thể nói, việc cho, nhận quà tặng có giá trị của các tổ chức, cá nhân cần phải được quy định chặt chẽ hơn. Việc này cũng nhằm để công khai, minh bạch hơn trong chính sách để tránh tình trạng có những bộ, ngành, địa phương khác nhận quà tặng quá mức, không đúng quy định, làm mất đi tính công bằng, khách quan trong điều hành chính sách, nhất là liên quan đến các tổ chức, doanh nghệp.
Mạnh Quân