Sau Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... đến lượt ai có thể "nhập kho"?
(Dân trí) - Phiên tòa sơ thẩm thứ nhất xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm về tội "Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" đã cơ bản khép lại.
Một số bị cáo còn tiếp tục bị xét xử ở một phiên tòa khác về tội tham ô. Những vụ án trên lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề trách nhiệm trước đồng vốn đầu tư của Nhà nước. Nhưng nếu như, giá như, việc cổ phần hóa được đẩy mạnh hơn, có lẽ tội phạm trong lĩnh vực này cũng vì thế được giảm bớt.
Người viết bài này nhớ rõ, trong một hội nghị của Chính phủ với lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có qui mô lớn khoảng 4 năm trước, ông Phan Đăng Tuất, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Rượu bia và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nói: "Mâu thuẫn trong các DNNN không bao giờ hết. Nếu Vinashin, Vinalines cổ phần hóa (CPH) sớm thì quản lý nhà nước cũng đỡ vất vả. Mà không đẩy nhanh CPH thì tôi e mấy năm tới, nhiều anh ở đây cũng lại phải 'đi' thôi". Bài "Rề rà cổ phần hóa, sẽ mất chức!", báo Người lao động ngày 18.2.2014.
Khi đó, cả hội trường cười râm ran, nhiều tiếng vỗ tay tỏ ý đồng tình bởi ngay trước thời điểm đó, Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch và hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa bị khởi tố, bắt giam, gây choáng váng cho giới lãnh đạo DNNN.
Điều lo ngại của ông Phan Đăng Tuất cho đến nay vẫn đúng. Bởi trong suốt 4 năm qua, tốc độ cổ phần hóa, sắp xếp, thoái vốn nhà nước khỏi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tuy có những cố gắng thúc đẩy nhưng nhìn chung cũng vẫn rất chậm.
Trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cuối năm 2017 cho thấy: "Tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu; cơ cấu lại DNNN chưa thực chất, chưa nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Số DNNN sở hữu 100% vốn mặc dù giảm, nhưng tỷ lệ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp CPH vẫn còn cao".
Với tốc độ CPH, thoái vốn nhà nước như hiện nay (năm 2016 CPH được 56 DN, năm 2017 chỉ đạt khoảng 44 DN), với số DNNN còn hàng ngàn, trong đó có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn chưa CPH: EVN, PVN... và số vốn được CPH mới chỉ chiếm khoảng gần 10% tổng số vốn nhà nước thì vấn đề quản lý khối DN đó làm sao cho hiệu quả, hạn chế tiêu cực, thất thoát, tham nhũng là vấn đề hóc búa.
Cho dù thực tế, Quốc hội, Chính phủ liên tục sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách để siết chặt quản lý vốn đầu tư nhà nước, ngăn chặn các khe hở để tránh tình trạng lợi dụng, lạm dụng để làm bậy, để tham ô, tham nhũng nhưng các vụ án kinh tế lớn xảy ra ở hàng loạt doanh nghiệp nhà nước có qui mô lớn, qui mô vừa như vừa qua: Vinashin, Vinalines, Vinachem, PVN... với số tiền thất thoát, sai phạm lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Ở đây có câu hỏi lớn đặt ra: Tại sao văn bản, chính sách ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ nhưng vi phạm trong thực hiện chính sách, qui định về quản lý vốn đầu tư, tài sản nhà nước tại nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước vẫn hết sức nghiêm trọng?
Không chỉ mất tiền của, tài sản, Nhà nước cũng mất đi rất nhiều cán bộ có trình độ, năng lực, được nhà nước, được xã hội công nhận. Nếu như vẫn chính những cán bộ đó, làm việc ở môi trường khác, ở doanh nghiệp khác, không phải là doanh nghiệp nhà nước, có lẽ họ vẫn có thể phát huy năng lực của mình để điều hành một doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển.
Bởi một lẽ đơn giản rằng, "đồng tiền liền khúc ruột", chỉ khi nào đồng tiền là của từng cá nhân, người ta mới có thể có trách nhiệm cao nhất với nó. Còn ở tập thể, là của chung, là "tiền chùa"... lại quá lớn, là hàng trăm ngàn tỷ đồng ở PVN, là hàng chục ngàn tỷ đồng ở Vinachem, TKV... nó rất dễ làm nảy sinh lòng tham, muốn chiếm đoạt. Nếu không ở người lãnh đạo thì cũng ở những cán bộ, nhân viên thừa hành trong quá trình sử dụng nguồn lực quá lớn ấy, muốn lạm dụng vào những việc cá nhân.
Nói vậy, không phải không có những tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước làm ăn có hiệu quả, lợi nhuận cao mà cũng ít có điều tiếng như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel). Nhưng con số những DNNN ít có vụ việc tai tiếng như vậy hiện chưa nhiều và hầu như, qua thanh tra, kiểm toán, điều tra nhiều đơn vị đều có những sai phạm nhất định.
Do đó, quan điểm: Phải đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi hầu hết các DNNN, nhất là các DN có qui mô lớn để công khai, minh bạch hóa, đơn giản hơn cho công tác quản lý - một quan điểm đã có từ lâu vẫn hết sức đúng đắn. Thực tế, như đánh giá của Chính phủ, ở hầu hết các DNNN đã CPH hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có hiệu quả, lợi nhuận cao hơn, nộp thuế nhà nước nhiều hơn.
Và một điều cũng phải thấy: Ở những DNNN đã cổ phần hóa, đã "lên sàn", các vụ việc tiêu cực cũng ít hơn, có lẽ rất hiếm có những vụ "tham ô", không có "cố ý làm trái"... bởi khi đó, tiền của DN là tiền của tư nhân, của cổ đông... việc giám sát từng đồng vốn, từng dự án, từng quyết định đầu tư sẽ rất chặt chẽ, được soi lên soi xuống, khó có chỗ cho cá nhân nào làm bậy.
Lời nói của ông Phan Đăng Tuất ở hội nghị các lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước năm nào, vì thế, đến nay nhắc lại, vẫn thấy là một cảnh báo đúng.
Mạnh Quân