Nghịch lý cổ phần hóa

Quá trình thực hiện cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước (TVNN) thường xuyên được “thúc đẩy” với tinh thần quyết liệt cùng những nỗ lực và chi phí không hề nhỏ. Tuy nhiên, dù đạt được kết quả khá mỹ mãn là 96,5% số DNNN đã được CPH, nhưng chỉ 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân…

MobiFone đưa ra kế hoạch CPH lần đầu năm 2005, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển nào.

CPH, thoái vốn “vướng” giá & room

Theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017 - 2020 cả nước phải hoàn thành CPH 127 DNNN, bao gồm năm 2017: 44 DN, năm 2018: 64 DN; năm 2019: 18 DN, năm 2020: 1 DN. Cụ thể, theo số liệu mới nhất được Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN công bố, tính đến hết tháng 8-2017, cả nước đã hoàn thành CPH 18 DNNN; trong đó có bốn tổng công ty (TCT): Sông Đà, IDICO, Becamex Bình Dương, Thanh Lễ Bình Dương. Riêng tháng 8-2017, đã phê duyệt phương án CPH TCT Thương mại XNK Thanh Lễ… Với tình hình này, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nhận định, năm 2017, cả nước có thể sẽ hoàn thành CPH 38 DN trong tổng số 44 DN phải CPH theo kế hoạch của năm nay.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, CPH có đạt được mục tiêu hay không cũng phụ thuộc quyết tâm của cơ quan thực hiện CPH. Trong quá trình CPH DNNN khâu định giá DN khá phức tạp, khi có các cơ quan tham gia vào xác định giá trị DN nhưng vẫn còn tình trạng thất thoát. Quá trình CPH chậm còn do quy trình này thật ra vẫn khá phức tạp, nhất là quy trách nhiệm những người trực tiếp tham gia CPH chưa rõ ràng.

Về TVNN, theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, tính đến hết tháng 8-2017, đã thực hiện bán phần vốn nhà nước (PVNN) không cần nắm giữ tại 26 DN với tổng giá trị theo sổ sách là 863,8 tỷ đồng, thu về 11.815,3 tỷ đồng, bao gồm cả giá trị TVNN tại Vinamilk; trong đó, có sáu DN thoái vốn dưới mệnh giá. TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái 3,33% PVNN tại Vinamilk, dự kiến thu về 7.443 tỷ đồng. Đến nay, có 46 DN thuộc các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu PVNN về SCIC nhưng chưa chuyển giao và 176 DN chưa thống nhất chuyển giao về SCIC.

Chỉ ra các giao dịch bán cổ phần chiến lược đang gặp khó khăn, ông Tony Foster, luật sư điều hành Công ty Luật Freshfields (Anh), nhà tư vấn chiến lược cho nhiều tập đoàn đa quốc gia tham gia quá trình CPH của DNNN ở Việt Nam, cho rằng nguyên nhân những giao dịch bán cổ phần chiến lược của các DNNN lớn chưa hiệu quả chính là những vướng mắc về thỏa thuận giá bán, tỷ lệ chào bán nhỏ, tài sản và các quyền không rõ ràng, quy trình chưa minh bạch.

Minh chứng, MobiFone đã đưa ra kế hoạch CPH lần đầu năm 2005 nhưng cho đến nay, sau 12 năm, vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào. Hay PVOil, theo kế hoạch, năm 2012 bán tối đa 25% cổ phần ra công chúng, trong đó bao gồm 20% cổ phần cho NĐT chiến lược, song vẫn trì hoãn cho đến nay.

Về thỏa thuận giá bán, ông Tony Foster đánh giá, đây là trở ngại lớn nhất trong các giao dịch TVNN, như trường hợp Vietcombank, bán cổ phần lần đầu và lần hai đều không thành công vì không thỏa thuận được giá bán. Phải mất 5 năm, đến cuối năm 2011, Vietcombank mới bán thành công đợt một với mức 15% cổ phần… Tỷ lệ bán ra quá thấp cũng là một trong những lý do khiến các NĐT không mặn mà với việc mua cổ phần của DNNN.

Vẫn chỉ là… hình thức

Theo ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ I, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong tám tháng năm 2017, có 33 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị thực tế 80.636 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế PVNN tại DN là 20.881 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ PVNN ở các công ty CP còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so phương án CPH. Mặt khác, số DN thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi CPH còn lớn nên làm giảm mức hấp dẫn đối với NĐT, đặc biệt là NĐT lớn, chuyên nghiệp.

Chỉ ra một nghịch lý của quá trình CPH DNNN, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho biết, mặc dù 96,5% số DNNN đã được CPH nhưng chỉ 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Nghĩa là, nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu, kết quả đạt được có thể coi bằng không vì nguồn lực hầu như vẫn nguyên sở hữu Nhà nước và các chủ DN tư nhân vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý các DN đã CPH. Nhiệm vụ CPH được coi là hoàn thành, thành tích rất cao song mục đích thật sự chưa đạt được. Đó là nghịch lý của cơ chế hoạt động được dẫn dắt bởi động cơ “chủ nghĩa thành tích”. Hoạt động sau CPH tại một số DN chưa đi vào thực chất do cổ phần chủ yếu được bán nội bộ, Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối.

Theo ông Trần Đình Thiên, hiện nay tỷ lệ PVNN được phép bán rất hạn chế, “may lắm cũng chỉ 49%”, và trên thực tế, chỉ là 8% sau một giai đoạn “quyết liệt” CPH. Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hạn chế, các DN tư nhân bị loại khỏi quyền tham gia điều hành mà chưa nói đến quyền chi phối DN. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các NĐT tư nhân, bao gồm cả các DN nước ngoài “ít mặn mà với việc mua DN. Bởi vì, sự sôi động của quá trình CPH thực chất chỉ là các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản DNNN được bán ra theo cách thức và quy trình CPH, nhất là quy trình cung cấp thông tin và định giá thường lỏng lẻo một cách có “chủ đích”.

Theo Quốc Bình

Báo Nhân dân