Có gì màu nhiệm hơn bàn tay nhân ái
(Dân trí) - Đôi môi thâm đen, ngón tay, ngón chân của Sao tím tái, xù xì. Đôi mắt đỏ hoe thường nhìn xoáy vào những vị khách trong quán cà phê một cách rất khó hiểu.
Đó là hình ảnh về cậu bé đánh giày Nguyễn Văn Sao trong một ngày của tháng 11 năm 2009. Khi ấy, em vẫn còn là một em nhỏ bị mắc bệnh tim bẩm sinh, bị hành hạ bởi những cơn đau ngực và khó thở. Tương lai Sao lúc đó mịt mờ bởi sống còn khó nói chi đến chuyện học hành, ước mơ nghề nghiệp mai sau.
Đau xót là một cậu bé học hết lớp 9, người nhỏ thó, gia đình li tán, đã phải chia tay bà ngoại từ Lào Cai về Hà Nội kiếm kế sinh nhai, hi vọng kiếm được tiền để tự chữa bệnh cho mình, nhưng lại bị hiểu nhầm là “nghiện” vì dáng vẻ bề ngoài gầy gò và tím tái.
“Ngày đó có thể con đã không còn và giỗ con đã được 11 lần nếu không được mọi người giúp đỡ” - Sao của ngày hôm nay nhìn lại chặng đường đã qua. Không ai khác, độc giả Dân trí với tấm lòng hảo tâm đã sinh ra Sao một lần nữa, cho em tương lai và có lẽ hơn thế, là cho em thấy được tình yêu, sự tử tế ở đời.
Sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, phải mưu sinh từ lúc còn thơ dại, nhưng ngoài tình yêu của bà ngoại, Sao vẫn gặp được những “quý nhân”.
Đó là bà Ngô Thị Bích Lộc, nhân viên trông giữ xe công cộng khu vực (48 Lí Thường Kiệt), người mẹ thứ hai của em, chăm sóc em từng miếng ăn, giấc ngủ cả những ngày em vào viện. Đó là những bạn đọc nhân hậu của Dân trí đã gom góp từng chút, từng chút một để Sao có cơ hội sửa trái tim lỗi nhịp nằm bên phải và sống tiếp.
Câu chuyện về Sao khiến tôi lắm lúc quặn lòng. Tim tôi nhói đau trước ánh mắt đỏ hoe, bất lực của cậu bé trước những vị khách vô tình. Tôi xót xa bởi nhiều lần em ngã vật ra vỉa hè vì không thở được, mà dòng người vẫn đi, dòng đời vẫn trôi… Rồi tôi thở phào, vì đồng nghiệp của tôi đã có cơ duyên gặp cậu bé và Dân trí trở thành nhịp cầu nhân ái, yêu thương giữ Sao lại với cuộc sống dẫu bộn bề vất vả mà vẫn rất tươi đẹp này.
Thật may mắn sao, đã không có một “cô bé bán diêm” thời hiện đại.
Bà ngoại của Sao sau này rồi cũng ra đi. Có thể đã có một ánh sao vụt tắt trên bầu trời nhưng tôi tin rằng bà đã ra đi thanh thản, vì cháu của bà không cô đơn, lẻ loi một mình giữa cuộc đời này nữa.
Cậu bé Sao của chúng ta lại có cơ hội được tiếp tục toả sáng, thứ ánh sáng khiêm nhường mà bền bỉ, mãnh liệt và kiên cường. Sao sau 11 năm kể từ cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, đã có được một cuộc sống ổn định.
Ở tuổi 27, cậu bé đánh giày năm nào nay trở thành một “tay” pha chế cà phê có “số”, đã tự kiếm ra tiền để mua được xe máy, trang trải tiền thuê nhà… Và như thế, chính các độc giả của Dân trí đã giúp một cậu bé đánh giày chờ chết trên hè phố được tiếp tục sống và có cơ hội sống tử tế bằng chính đôi bàn tay lao động của mình. Có gì màu nhiệm và kỳ diệu hơn thế!
Suốt nhiều năm qua, Dân trí bên cạnh sứ mệnh của mình trong phản ánh và phản biện xã hội, còn góp những viên gạch lớn xây nên cây cầu kết nối các hoàn cảnh khó khăn với độc giả, lan toả tình yêu thương, tinh thần sẻ chia và đùm bọc trong xã hội.
Tin rằng, với sự chung tay và đồng lòng của các độc giả, sẽ còn có rất nhiều cuộc đời được sang trang như cậu bé Sao, xã hội sẽ bớt khắc nghiệt, ngày càng tươi đẹp và đáng sống hơn! Nhân Ái, Nhân Văn, Nhân Nghĩa, Nhân Đạo, Nhân Đức, Nhân Tâm, Nhân Hậu… và còn biết bao cháu bé, biết bao số phận đã được bạn đọc Dân trí cưu mang - là biết bao dẫn chứng về sự tử tế, yêu thương ở đời!
Bích Diệp