Có gì bên trong câu chuyện: "Giá xăng tăng khủng, giảm nhỏ giọt"?
(Dân trí) - Trong thời gian qua, người dân hay đúc kết một thực tế: Giá xăng khi tăng thì tăng cao vút, khi giảm thường chỉ giảm nhỏ giọt. Vì thực tế, có những thời điểm giá xăng tăng trên một ngàn đòng/lít, khi giảm chỉ vài trăm đồng, diễn ra không chỉ một, hai lần. Nhưng thực sự, đây không hề là chuyện đùa hay chuyện ngẫu nhiên.'
Đợt điều chỉnh giá xăng dầu sắp tới (dự kiến ngày 17/5) cũng đang có nhiều khả năng, câu chuyện trên lại lặp lại. Cho dù trong 3 lần gần đây nhất, giá xăng đều tăng ở mức rất cao, có lần tăng trên 1.500 đồng/lít; tổng cộng 3 lần tăng trước, tổng mức tăng của giá xăng lên tới 3.600 đồng/lít. Nhưng trong khoảng 1 tuần nay, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng khả năng cao giá xăng trong nước chỉ giảm "cầm chừng". Vì sao có câu chuyện như vậy?
Hóa ra, "điệp khúc" nói trên xuất phát từ vấn đề sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (sau đây gọi tắt là Quỹ BOX). Xưa nay, mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, để can thiệp vào thị trường, không để giá xăng dầu trong nước cũng tăng cao như thế giới, liên bộ Tài chính-Công Thương thường sẽ trích quỹ BOX để giảm mức giá xăng dầu tăng. Quỹ này thực ra cũng là tiền của người tiêu dùng, được trích từ tiền thu giá bán xăng dầu (thường là ở thời điểm giá xăng dầu còn thấp) nhưng để lại ở doanh nghiệp.
Đôi khi việc sử dụng quỹ cũng được đánh giá là hiệu quả do kiềm chế mức tăng giá xăng dầu ở một số thời điểm để giá không tăng quá cao, không gây bức xúc cho người dân.
Tuy nhiên, gần đây, việc "xả" Quỹ BOX đã có những dấu hiệu bất hợp lý khi mức "xả" khá cao và liên tục khiến Quỹ BOX này tại một số DN bị âm: Như tại Petrolimex bị âm 155 tỷ đồng, ở PV Oil bị âm tới 700 tỷ đồng (thời điểm cách đây 15 ngày), ở các doanh nghiệp khác cũng âm hàng trăm tỷ đồng... dù mức tăng giá bán xăng dầu vẫn rất cao.
Cơ quan quản lý thực tế đã không tính đến chuyện, khi Quỹ BOX xả nhiều, liên tục, các DN bị "âm" quỹ thì phải tự bù tiền cho quỹ. Các doanh nghiệp nhỏ, vốn mỏng thường phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Quỹ BOX âm càng lớn thì DN sẽ khó vay ngân hàng vì ngân hàng chỉ cho vay có hạn mức và nếu kéo dài tình trạng âm quỹ thì các DN chỉ còn cách ngừng nhập xăng vì bị lỗ quá lớn.
Các DN kinh doanh xăng dầu đã ngấm ngầm phản đối cơ chế dùng Quỹ BOX từ rất lâu do nó chẳng đem lại lợi ích gì cho họ cả: Bình thường không sao, nhưng khi quỹ bị liên bộ "lạm chi" liên tục, lại phải tự bỏ tiền vốn, tiền vay từ ngân hàng, chịu lãi suất cao bù vào, kéo theo vô cùng nhiều các thủ tục kế toán phiền toái. Người tiêu dùng thì bất bình vì lẽ ra khi giá xăng thế giới giảm mạnh, giá xăng trong nước không giảm theo, lại trích về Quỹ BOX tại DN mà họ cho rằng sẽ không minh bạch ở đây.
Do đó, trong lần điều hành giá xăng dầu tới đây, theo xu hướng giảm giá xăng dầu rất mạnh trong hơn 1 tuần qua, lẽ ra giá xăng dầu trong nước phải được giảm mạnh. Nhưng rất nhiều khả năng, để tránh Quỹ BOX ở các doanh nghiệp bị âm đã rất lớn, ảnh hưởng xấu đến hoạt động doanh nghiệp, người ta sẽ chỉ để giá xăng dầu giảm nhẹ để còn trích vào Quỹ BOX, giảm bớt tình trạng quỹ "âm" như hiện nay.
Kể cả trong các tuần sau nữa, khi giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm, kịch bản này vẫn lặp lại, đơn giản là để xử lý hết tình trạng "âm quỹ" BOX tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Cho nên, câu chuyện: Giá xăng tăng thì tăng cao vút, giảm thì giảm nhỏ giọt có khả năng rất cao là lại tái hiện, nếu không muốn xảy ra tình trạng DN thua lỗ lớn do phải dùng tiền bù cho Quỹ BOX, ngừng nhập khẩu xăng dầu.
Câu chuyện trên có thể kết thúc khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động ổn định cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Khi đó, cộng thêm sản lượng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nguồn cung xăng trong nước đủ đáp ứng 80% nhu cầu thì giá xăng dầu trong nước đã có khả năng vận hành theo cơ chế thị trường, có thể thả nổi giá xăng dầu mà không cần Quỹ BOX như hiện nay nữa. Khi đó, giá thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước cũng tăng và ngược lại, sẽ không còn tình trạng "giá xăng tăng khủng, giảm nhỏ giọt" khó chịu như hiện nay.
Mạnh Quân