Chuyện “mặc quần soóc” và “Chiếc áo không làm nên thày tu”

(Dân trí) - Đã nhiều ngày trôi qua, song câu chuyện một giáo sư mặc quần soóc nói chuyện trước sinh viên ở một trường đại học vẫn chưa “giảm nhiệt” với những quan điểm rất khác nhau…


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đó là GS Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, người đã mặc quần soóc ngồi trên hàng ghế diễn giả cùng hai vị khách mời. Điều khác biệt, trong khi hai vị khách ăn mặc bình thường thì ông Thành lại mặc áo thun trắng, quần soóc.

Khi những hình ảnh này xuất hiện, nhiều ý kiến cho rằng phản cảm và không phù hợp với văn hóa phương Đông, nhất là trong một sự kiện có khách mời mà ăn mặc như thế là không tôn trọng những người xung quanh.

Trao đổi với PV Dân trí, GS Thành cho biết, ngày 22/4, trong lúc ông đang dạy sinh viên làm sao phát triển sáng tạo, để muốn tạo điểm nhấn để sinh viên hiểu rằng muốn phát triển tư duy sáng tạo thì chính bản thân bạn phải gỡ bỏ mọi rào cản, định kiến hay những vướng mắc ngay trong chính tư tưởng của mình.

"Tôi muốn các em hiểu trong tư tưởng không có một giới hạn nào cả, từ đó mới đẩy được giới hạn trong thực tế, vượt qua mọi giới hạn thực tế thì mới có một ý tưởng đột phá, một sản phẩm đột phá mà người ta không nghĩ ra được…Tôi muốn gửi đến học viên rằng muốn sáng tạo thì phải có cảm giác thoải mái, không gian thoải mái chứ không thể gò bó. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới họ đều làm như vậy, chỗ làm việc như chỗ chơi để các nhân viên có khả năng sáng tạo nên những ý tưởng mới”.

Cũng cần nói thêm, GS Thành vốn là cậu bé bán thuốc lá dạo nhưng đã trở thành giảng viên của Đại học Utah nổi tiếng ở Mỹ. Từ 1992 đến nay, GS Thành có khoảng 200 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ông là một tri thức Việt kiều được mời về để thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán TPHCM vào năm 2007.

Song, ngược lại với những ý kiến phản đối ở trên thì nhiều bạn trẻ lại tỏ ra thích thú với cách ăn mặc này, nhất là những người đã từng du học ở nước ngoài.

Trên báo Dân trí, Bác sĩ Lê Hữu Phúc – 8X Việt đang theo học ngành Thạc sỹ về quản lý Y tế tại ĐH Flinders, Úc cho biết có thể hình ảnh một vị giáo sư đại học mặc quần đùi, áo thun, mang dép quai hậu khá xa lạ ở nước ta nhưng đây là những hình ảnh rất quen thuộc ở các nước tiên tiến, đa chủng tộc như Mỹ, Úc, New Zealand…

“Ở đó, mọi người kêu gọi tôn trọng sự khác biệt của cá nhân, từ tôn giáo, chính trị, văn hoá, xã hội, thời trang, ẩm thực... miễn sao là ở một mức độ cho phép và không ảnh hưởng đến người khác”. BS Phúc nói.

Du học sinh Nguyễn Văn Thuận (thạc sĩ ngành Công tác xã hội tại trường ĐH Flinders, Úc) nhận xét: “Cách ăn mặc này có thể bị xem là lập dị ở Việt Nam, nhưng lại là một hình ảnh hết sức bình thường ở môi trường được xem là "tháp ngà học thuật" ở các nước phương Tây!”.

Thực ra, chuyện mặc quần soóc đến công sở (cũng tương tự như đến giảng đường) không mới. Cách đây 4 năm (8/2013), Nhà nghiên cứu lịch sử, ĐB QH Dương Trung Quốc trong một bài trên báo Infonet đã bày tỏ mong muốn được mặc quần soóc đi làm.

Ông Quốc cho biết, có vài lần mặc quần soóc đến cuộc họp, cơ quan, công sở, song luôn gặp phải sự e ngại, bởi nhiều người không biết mặc quần soóc như vậy có bị cấm không. Tất nhiên, ông Quốc cũng bày tỏ: “Không phải suồng sã lúc nào cũng mặc quần soóc, ví dụ như đến đám ma, đám cưới... Tuy nhiên, nên coi mặc quần soóc là chuyện bình thường, không nên coi quần soóc chỉ để mặc đi chơi”.

Đặc biệt, ông Quốc còn cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng tiếp khách quốc tế trong trang phục quần soóc và khoác veston theo một kiểu cách thời thượng của người Hà Thành xưa và các chiến sĩ Giải phóng quân từ chiến khu về Thủ đô cũng đều mặc quần soóc.

Về quan điểm cá nhân, người viết bài này cho rằng việc ăn mặc lịch sự chính là tôn trọng người khác, song cũng không nên quá câu nệ bởi như người xưa nói: “Chiếc áo không làm nên thày tu”. Vả lại, cũng không nên lặp lại việc cấm “quần loe, áo chẽn, tóc dài” của cái thủa chưa xa…

Bùi Hoàng Tám