Chuyện cách ly F1, bài học nhìn từ TPHCM
(Dân trí) - Ngày 17/11, toàn TP Hà Nội chỉ có 11 bệnh nhân Covid-19 phải thở oxy, 80% người dân Hà Nội (trên 18 tuổi) đã tiêm đủ hai mũi vaccine, nhưng Hà Nội vẫn không dám quyết cho F1 cách ly tại nhà.
Tôi chỉ muốn nói: Hà Nội ơi, mạnh dạn lên, xin đừng tự làm khó chính mình. Vì không thể mãi "sống trong sợ hãi" thế này được đâu.
Thực lòng mà nói, tôi không hiểu điều gì đang xảy ra ở Hà Nội nữa!
Ngày hôm qua, khi tôi đọc thông tin Hà Nội công bố kế hoạch tiếp tục mở rộng các khu cách ly tập trung cho F1 và biến các trung tâm văn hóa/trường học thành bệnh viện điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tôi bỗng nghĩ rằng: Có phải Hà Nội đang đi lại đúng "vết xe đổ" của TPHCM?
Kịch bản xảy ra ở Hà Nội những ngày này giống hệt TPHCM cách đây 6 tháng. Khi đó, TPHCM mỗi ngày có 200-300 ca bệnh và vài nghìn F1. Cách xử lý của TPHCM khi đó là truy vết, đưa F0 đi điều trị và cách ly toàn bộ F1. Nhưng rất nhanh sau đó, không còn trường học, nhà văn hóa nào đủ chỗ để cách ly F1 nữa vì trung bình mỗi F0 sẽ kéo theo 20 ca F1. Các khu thu dung (dành cho các bệnh nhân nhẹ không triệu chứng chật nêm người). Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khi tổng kết lại những bài học kinh nghiệm của TPHCM đã thừa nhận rằng: "Khi đó tập trung các ca F0 trong các khu thu dung để ngăn chặn nguồn lây. Nhưng tập trung lại xong không biết làm gì nữa". Hiện tượng lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng đã được lãnh đạo TPHCM và Bộ Y tế thừa nhận.
Dù những chuyên gia như tôi đã đề xuất chính sách cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà từ trước đó, nhưng vào thời điểm mà toàn bộ hệ thống y tế đã thực sự quá tải, TPHCM mới bắt đầu cho phép cách ly F1 tại nhà, rồi sau đó cho phép F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị ở nhà, giảm bớt gánh nặng lên hệ thống y tế và các lực lượng hỗ trợ. Những chính sách đó đã phải sửa đổi, chỉ tiếc là lẽ ra nó nên được làm sớm hơn.
Cái sai của TPHCM khi đó dù đáng tiếc, nhưng có thể hiểu được, khi mà TPHCM áp dụng đúng cách làm cũ mà chúng ta đã thực hiện từ đầu đại dịch! Việc có một TPHCM đi trước và trả giá đắt để rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm, chính là để những địa phương khác trong cả nước có thể "mua" được bài học đó miễn phí, để tránh phải trả giá cho những sai lầm tương tự. Vậy mà bây giờ, khi mà Chính phủ đã chuyển sang chiến lược "thích ứng an toàn, linh hoạt với covid-19", Hà Nội vẫn yêu cầu cách ly tập trung F1.
Là một chuyên gia y tế, thời điểm 5-6 tháng trước, tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn, kể cả phong tỏa các vùng dịch, khi mà tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam lúc đó đang cực kỳ thấp. Nhưng khác với TPHCM 6 tháng trước với tỷ lệ tiêm vaccine chỉ ở mức một con số, hôm nay, 99% người lớn ở Hà Nội đã được tiêm mũi 1, gần 79,8% đã được tiêm mũi 2. Hà Nội còn rất nhiều lợi thế khác so với TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Khi các tỉnh này bùng dịch, nguồn vaccine vẫn rất khan hiếm, tốc độ phủ vaccine chậm nên hiệu quả miễn dịch cộng đồng cũng theo đó mà giảm đi. Hà Nội thì khác, nhờ số lượng lớn vaccine về liên tục nên việc bao phủ vaccine trong một thời gian ngắn đã giúp Hà Nội đang có miễn dịch cộng đồng cao để đủ sức chống lại đại dịch vào thời điểm hiện tại.
Hầu hết F0 và F1 ở Hà Nội đã được tiêm vaccine nên khi nhiễm virus sẽ mắc bệnh nhẹ hoặc không có biểu hiện gì. Theo số liệu của Bộ Y tế, ngày 17/11, cả Thủ đô chỉ có 11 ca phải thở oxy. Mà chúng ta cũng đã chấp nhận thực tế rằng việc theo đuổi mục tiêu "zero covid" là hoàn toàn bất khả thi. Với ngần đó vũ khí ở trong tay, tôi không hiểu lãnh đạo Hà Nội ngần ngại gì mà chưa mạnh dạn cho phép điều trị F0 không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà. Đó chính là đang tự làm khó chính mình!
F0, F1 không chỉ sống vì Covid-19. Họ còn có các bệnh khác, còn có bố mẹ già, con nhỏ cần chăm sóc. Họ cũng có những vấn đề kinh tế, đời sống và sức khỏe tâm lý cần được quan tâm… Những gì đã xảy ra ở miền Nam cho thấy F0, F1 vẫn có thể tử vong hoặc chịu các hậu quả về sức khỏe, không phải vì Covid-19, mà có thể do các bệnh khác nhưng không được cấp cứu kịp thời. Đấy là chưa kể, việc lãng phí nguồn lực trong việc cách ly tập trung F1 và điều trị F0 triệu chứng nhẹ trong khi họ đã tiêm vaccine là lãng phí nguồn nhân lực, tài lực một cách không cần thiết.
Chúng ta phải chấp nhận rằng đại dịch này vẫn còn có thể kéo dài rất lâu nữa, nên việc phân bổ nguồn lực và giữ sức bền cho một cuộc đua đường dài là nguyên tắc sống còn. Giống như một vận động viện chạy marathon đường dài, nếu tiêu phí hết năng lượng mình có ở chặng đua đầu tiên, chúng ta sẽ là những kẻ thua cuộc. Lẽ ra lúc này, khi đang đạt được mức miễn dịch cộng đồng, Hà Nội phải coi đây là cơ hội dưỡng sức quý báu để chuẩn bị cho những giai đoạn dịch bệnh có thể cam go hơn vào vài tháng tới khi hiệu lực vaccine giảm, cũng là khoảng thời gian để dồn sức cho việc phục hồi kinh tế. Dân cũng cần dưỡng sức, nhân viên y tế cũng cần dưỡng sức, nền kinh tế của Thủ đô cũng cần dưỡng sức. Nhưng thay vào đó, lãnh đạo Thủ đô vẫn đang hoang phí nguồn lực vào việc cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng.
Tôi mong lãnh đạo Hà Nội và cả các địa phương khác đừng đặt nỗi sợ của mình vào số ca nhiễm mỗi ngày, vì dù số ca nhiễm có vài trăm ca một ngày hoặc tăng hơn nữa, nhưng có gì phải sợ khi Hà Nội chỉ có 11 ca thở oxy? Tôi cũng hy vọng báo chí khi cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày cần đưa tin về cả số ca thở oxy, số ca bệnh nặng và tỷ lệ bao phủ vaccine, chứ không chỉ đơn thuần đưa số liệu ca nhiễm. Tháng 11 của năm 2021 khác với tháng 7 của năm 2021. Chúng ta đã có vaccine, chúng ta đã có thuốc điều trị Covid-19, chúng ta không bị quá tải y tế. Nên xin đừng tự làm khó và tự làm khổ chính mình!
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh là Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, trưởng nhóm F5. Nhóm này gồm các chuyên gia đa ngành tập hợp thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19, nhằm đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch.