“Chửi cha không bằng pha tiếng”
(Dân trí) - Cuộc tranh luận gay gắt vừa mới diễn ra gần đây về một giải pháp cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đã nhắc chúng ta nhớ đến một vấn đề cấp bách và thiết thân hơn từng được dư luận quan tâm và vẫn đang tiếp diễn trong quá trình thực hành tiếng Việt hiện nay.
Cùng với không khí cởi mở dân chủ trong đời sống xã hội và sự bùng nổ các trang mạng xã hội, việc phổ cập ngày càng rộng rãi quốc tế ngữ trong xu thế hội nhập đã khiến tiếng Việt đứng trước nhiều những thách thức. Một trong những thách thức đó là việc lạm dụng tiếng nước ngoài, thích sử dụng tiếng lóng, chế từ ngữ mẹ đẻ và viết sai chính tả… trong một bộ phận người Việt trẻ.
Phổ cập quốc tế ngữ là điều tối cần thiết và đang là một trong những mục tiêu giáo dục của chúng ta. Tuy nhiên, làm thế nào để việc phổ cập quốc tế ngữ không làm tổn hại đến ngôn ngữ mẹ đẻ? Hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc, quốc tế hóa tên gọi… thế nào để không đánh mất bản sắc văn hóa của mình? Và làm gì để nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ trong thanh niên… đang là những câu hỏi đầy ám ảnh.
Chúng ta đều thấy, chưa bao giờ việc lạm dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt lại phổ biến như hiện nay. Ngôn ngữ nước ngoài mà chủ yếu là tiếng Anh tràn lan khắp nơi, trong trường học, nơi công sở, trên mọi nẻo đường từ các bảng quảng cáo, biển hiệu nhà hàng, văn phòng, cao ốc… Tiếng Anh được dùng để đặt tên các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ từ lớn đến nhỏ đã đành, nó còn được dùng làm nghệ danh, được đặt tên cho con trẻ.
Những cái tên tập đoàn, công ty như Sun Way, New Hope, Tomboy, Supertech Vina, Vinanic Steel Processing… những khu đô thị, nghỉ dưỡng: Part City, E Compark … những biển hiệu Baby’ shop, Men’ shop, Goden Plaza, Kiwi Spa… Những nghệ danh Noo Phước Thịnh, Midu, Chi Pu, Su Boi… Những cái tên trẻ con Tôm, Bin, Suri… đã làm chúng ta đôi khi không biết mình đang ở đâu. Ở một mức độ nào đó, nhìn từ góc độ tự do cá nhân thì không vấn đề gì, nhưng nhìn từ trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc thì lại hoàn toàn khác.
Đó là chưa kể tới các kiểu chèn tiếng Anh vào trong tiếng Việt một cách tùy tiện, như: “Mình sorry nhé. Thích perfec nên mới thế!”, “Thanks bạn! See again!”, “lão í no phải leader, là một member thôi”… Các kiểu dùng tiếng lóng, chế tiếng Việt như “ Pùn quớ, bít làm j bi giừ !!!”(Buồn quá, biết làm gì bây giờ!), “ zì zây? Hok bit đâu!” (Gì vậy? Không biết đâu!), “Thoai mừ! Zậy đi kím xiền thoai!”(Thôi mà! Dậy đi kiếm tiền thôi!)… đầy rẫy trong giao tiếp trên mạng của các bạn trẻ hiện nay.
Vốn từ tiếng Việt ngày một nghèo, ngày một thiếu trong sáng do bị cố tình bỏ qua quy tắc, bị chế biến, pha tạp và cả bị viết sai chính tả. Xu hướng lai căng, vọng ngoại, thích thể hiện cá tính và sự giảm sút tình yêu, ý thức trách nhiệm với tiếng nói của dân tộc trong một bộ phận lớp trẻ đã góp phần làm nên thực trạng này.
Hiện tượng một số từ ngữ cũ bị mất đi bên cạnh một số từ ngữ mới phát sinh và sự biến đổi từ ngữ là điều bình thường vẫn diễn ra trong quá trình phát triển của một sinh ngữ. Xu thế hiện đại hóa cũng là một tất yếu của tiếng Việt. Tuy nhiên những biểu hiện lệch lạc trong việc sử dụng tiếng Việt như ở trên là điều thật đáng phải lo ngại.
Cha ông ta xưa đã từng dạy “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Việc pha tạp, thay đổi tùy tiện tiếng mẹ đẻ bị xem là một tội còn lớn hơn cả cái tội đại bất hiểu là chửi lại người sinh thành ra mình. Và ta hiểu thông điệp mà người xưa truyền lại, đó là việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ là một việc sinh tử, sống còn. Nó là lòng tự trọng, là nhân cách, và là cách con người bảo vệ bản sắc, nguồn cội, là cách một dân tộc tự bảo vệ mình, tránh việc bị “hòa tan” vào những dòng chảy văn hóa khác trong quá trình hội nhập.
Cát Thụy