Chủ tịch một số địa phương “tốt nhất là nên nghỉ đi”
(Dân trí) - “Tốt nhất là ông nên nghỉ đi. Pháp luật quy định như vậy mà ông không làm, ông tránh né, thì ông không nên làm Chủ tịch nữa”.
Đó là lời khuyên của ông Vũ Trọng Kim - Đại biểu Quốc hội, nguyên Tổng Thư ký UB Trung ương MTTQ Việt Nam đối với một số vị không chịu tiếp dân. Một lời khuyên có thể làm ai đó mếch lòng, phật ý. Song, đó là những lời thẳng thắn và trách nhiệm.
Sáng 14/11 vừa qua, Quốc hội đã nghe báo cáo Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do Trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày.
Nội dung Báo cáo cho biết, công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân còn nhiều hạn chế, công tác thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc tiếp công dân chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều tỉnh chưa quan tâm, theo dõi, đánh giá công tác tiếp công dân theo quy định của người đứng đầu, nhất là cấp xã.
Luật tiếp công dân có hiệu lực từ năm 2014, đến nay đã qua 4 năm nhưng có địa phương, nội quy tiếp công dân chưa được thay đổi theo quy định của luật, việc thống kê báo cáo và ghi chép sổ tiếp công dân còn thực hiện chưa đầy đủ, việc công khai lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử nhiều nơi chưa được thực hiện…
Báo cáo còn cho biết, Chủ tịch một số tỉnh có tỷ lệ trực tiếp tiếp công dân định kỳ cao hơn quy định như Tiền Giang (27 ngày, hơn 225%), Tuyên Quang (24 ngày, hơn 200%). Một số tỉnh có số ngày tiếp định kỳ của lãnh đạo cao (kể cả số ủy quyền) như Khánh Hòa (50 ngày), Bình Phước (30)...
Tuy nhiên, tại các tỉnh như Bắc Giang, Đồng Nai… có tỷ lệ tiếp dân của Chủ tịch UBND tỉnh so với yêu cầu là… 0%.
PV Phương Thảo của Dân trí cũng có cuộc phỏng vấn ông Vũ Trọng Kim xung quanh đề tài này.
Trả lời câu hỏi, liệu có cần một chế tài mạnh hơn cho các vị Chủ tịch UBND không tiếp dân, ông Kim thẳng thắn: “Tốt nhất là ông nên nghỉ đi. Pháp luật quy định như vậy mà ông không làm, ông tránh né, thì ông không nên làm Chủ tịch nữa”.
Lời khuyên này có thể “nghịch nhĩ”, khiến ai đó “chạm mạch”, “mất lòng” nhưng rất thẳng thắn và giàu trách nhiệm bởi mấy lẽ.
Thứ nhất, việc tiếp dân đã được qui định trong Luật tiếp công dân (có hiệu lực từ năm 2014). Là người đứng đầu địa phương, các vị đó không thể không làm theo luật, thực hiện luật.
Thứ hai, nếu không tiếp dân, không gần dân thì không thể hiểu dân, đồng cảm và chia sẻ với dân để từ đó, có biện pháp giải quyết cho dân.
Một ví dụ khá sinh động, đó là ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM hiện đang phải lần thứ ba liên tiếp đối thoại với người dân Thủ Thiêm để giải quyết các khúc mắc.
Nếu như có sự gần dân, tiếp dân, lắng nghe dân một cách cầu thị ngay từ đầu thì chắc chắn, sự việc đã không đi quá xa như hiện nay và người dân Thủ Thiêm không phải chịu 20 năm với nhiều thiệt thòi, mất mát...
Cũng không thể lý giải là bận hay lý do này, hay lý do khác bởi như lời ông Kim nói “đã là cán bộ lãnh đạo, phải dành thời gian cho dân, gần dân. Không thể nói rằng tôi bận đi làm việc với cơ quan này, cơ quan khác, còn việc dân thì lại bỏ. Đó là do anh không ý thức đúng vấn đề chứ không phải là không sắp xếp được công việc".
Thứ ba, khoảng cách từ xa dân, rời dân, không quan tâm đến dân dẫn đến tha hóa, biến chất, tự coi mình như “ông vua con” như lời của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói là không xa.
Cách đây hơn 2 năm (27/5/2016), tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, ông Nguyễn Phú Trọng nói:
"Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy".
Để tránh cho họ con đường biến thành "ông vua con”, có lẽ xin nhắc lại lời của ĐB Vũ Trọng Kim: “Tốt nhất là ông nên nghỉ đi… không nên làm Chủ tịch nữa”.
Bùi Hoàng Tám