"Cháy phòng" đầu năm, du lịch có "cửa sáng" phục hồi?

Hoàng Lam

(Dân trí) - Ngành du lịch đã có một khởi đầu với những con số đáng mong ước khi lượng du khách tham quan và lưu trú tăng cao trong những ngày Tết Nguyên đán.

Theo thông tin đăng tải trên báo chí, các khu du lịch nổi tiếng như Sapa, Đà Lạt, Phú Quốc hay các điểm du lịch tâm linh đều rơi vào tình trạng "quá tải" trong những ngày vừa qua. Thậm chí, có những điểm tham quan đã phải tạm thời đóng cửa bởi lượng khách quá đông. Các hoạt động vận tải đường bộ và đường không cũng có cú phục hồi ngoạn mục trong kỳ nghỉ Tết với lượng hành khách tăng đột biến.

Sau 2 năm đóng băng, ngành du lịch gần như "xóa bài đánh lại" thì đây được xem là một khởi đầu khá lạc quan. Thực tế này không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả của sự tác động có chủ đích từ nhiều phía.

Sau 2 năm bị kìm nén bởi dịch Covid-19, người dân có nhu cầu giải trí, xả stress, đặc biệt là trong kỳ nghỉ dài như Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc thực hiện một cách hiệu quả linh hoạt Nghị quyết 128, nới lỏng một số quy định phòng dịch cùng nỗ lực bao phủ vaccine phòng Covid-19 đã tạo tâm lý yên tâm hưởng thụ các dịch vụ nghỉ dưỡng của người dân.

Cháy phòng đầu năm, du lịch có cửa sáng phục hồi? - 1

Đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Phú Quốc trong chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine" vào tháng 11/2021 (Ảnh: C.N.Q).

Mặt khác, 2 năm bị đóng băng cũng là quãng thời gian quan trọng để ngành du lịch tái cấu trúc các loại hình hoạt động, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ phục vụ trong ngành và kiện toàn cơ sở vật chất, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu du khách ngay khi mở cửa trở lại.

Đặc biệt, chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine" được triển khai hiệu quả, đón tiếp và phục vụ an toàn gần 9.000 lượt du khách quốc tế chỉ trong vòng gần 2 tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Mặc dù con số này khá khiêm tốn so với thời điểm trước khi có dịch nhưng đã thực sự thổi luồng sinh khí mới và là bước đệm quan trọng để khôi phục, mở cửa hoạt động của ngành du lịch.

Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và dựa trên kết quả khả quan của chương trình thí điểm "hộ chiếu vaccine", ngành du lịch đang tiếp tục xây dựng kế hoạch mở rộng đón tiếp du khách từ nhiều quốc gia cũng cho phép thêm nhiều địa điểm phục vụ du khách quốc tế.

Dịch Covid-19 mặc dù diễn biến hết sức phức tạp nhưng cơ bản đang nằm trong tầm kiểm soát. Cùng với đó là tỉ lệ bao phủ vaccine không ngừng được nâng lên và mở rộng xuống độ tuổi từ 5 tuổi; đặc biệt thói quen tuân thủ "5K" đã được hình thành trong ý thức của mỗi người dân, đã tạo nên một "lớp màng bảo vệ" trước đại dịch nguy hiểm này.

Với những kết quả bước đầu trong thời điểm Tết nguyên đán và tái khởi động ngành du lịch vừa qua, có thể thấy rõ, mục tiêu mở cửa hoàn toàn vào cuối tháng 3, chậm nhất là vào dịp nghỉ lễ 30/4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là có tính khả thi cao.

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, ngành du lịch đang đứng trước cơ hội phục hồi với sức bật mạnh mẽ. Thời cơ cũng chính là thách thức, bởi nếu để lỡ hoặc chậm triển khai sẽ giảm sức hút của ngành du lịch nội địa trước sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường du lịch quốc tế.  

Ngành du lịch cũng đã sẵn sàng tâm thế để bước vào một giai đoạn phục hồi và phát triển mới. Tuy nhiên, để có thể mở cửa hoàn toàn và duy trì sự mở cửa một cách an toàn, ngành du lịch vẫn phải tính toán kỹ, trong đó có việc tháo gỡ các rào cản đi lại của du khách trong nước và ngoài nước cũng như các thủ tục đón tiếp du khách quốc tế của các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành.

Mặc dù bị tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 nhưng năm 2021, Việt Nam vẫn được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là điểm đến hàng đầu và điểm đến bền vững hàng đầu Châu Á trong Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 28, khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ, ngành du lịch, các địa phương cũng như các doanh nghiệp lữ hành, hy vọng rằng, năm 2022, bên cạnh duy trì thương hiệu là điểm đến hấp dẫn, Việt Nam sẽ là điểm đến an toàn với du khách.