Chẳng ai làm sao cả!?
(Dân trí) - “Hàng chục năm nay chưa thấy cán bộ nào bị thôi việc hay giáng chức, bồi thường do ban hành văn bản bất hợp lý”. “Việc này không phải xảy ra ở một bộ, ngành nhưng chưa thấy Chính phủ phê bình bộ ngành nào. Nếu có phê bình thì nên công khai”.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đó là phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga và Đại biểu Võ Thị Dung (TP HCM) tại nghị trường những ngày qua. Có lẽ đây cũng là suy nghĩ của không ít đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri.
Gần đây, tình trạng ban hành một số văn bản thiếu tính thực thi, chưa phù hợp, chồng chéo… thậm chí trái pháp luật của một số cơ quan quản lý nhà nước đã khiến dư luận lo ngại.
Có thể không khó khi kể tên các loại văn bản “lú lẫn” này như qui định xử phạt đối với hành vi nghe điện thoại ở cây xăng; Quy định quản lý hàng rong, thức ăn đường phố; Quy định phòng chống bệnh dại; Quy định chứng minh thư ghi tên cha mẹ; Ý tưởng đề xuất sửa Luật báo chí, theo đó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp có quyền yêu cầu báo chí cung cấp nguồn thông tin; Qui định xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh; Qui định cấm người chống tiêu cực trong thi cử phát tán thông tin…
Những qui định trên đã gây ra những tổn hại rất lớn cho xã hội. Nó không những tạo nên sự hoang mang trong đời sống, gây khó cho dân, tạo điều kiện để tiêu cực phát sinh… mà còn như lời của Đại biểu Lê Thị Nga: “Những văn bản như vậy gây bức xúc dư luận, mất lòng tin trong dân, mất uy tín nhà nước, giảm hiệu lực quản lý. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo tình trạng nhờn pháp luật”.
Còn Đại biểu Võ Thị Dung thì tỏ ra gay gắt: “Mình là cơ quan được nhân dân giao cho quyền lực mà mình làm sai, đi ngược lại với ý chí nguyện vọng của nhân dân, làm ảnh hưởng tới đời sống của họ thì không được”.
Thế nhưng điều ngạc nhiên là dù gây ra những hậu quả lớn như vậy song cho đến nay, theo mình được biết thì chưa có bất cứ tập thể hay cá nhân nào liên quan phải nhận bất cứ một hình thức kỉ luật nào.
Trong khi đó, sòng phẳng mà nói những người ban hành các văn bản trên hưởng lương từ tiền thuế của dân tức là họ được nhân dân thuê làm việc đó. Đáng lý, họ phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất chứ không thể ban hành các quyết định một cách “ngẫu hứng” mà không cần biết những qui định đó có đi vào cuộc sống hay không, có gây khó cho người dân hay không, có tạo sự mất úy tín nhà nước hay không…?
Nói một cách cụ thể hơn, họ (các cơ quan và công chức tham gia ban hành các văn bản) cũng giống như người thợ được ông chủ là nhân dân thuê xây một “căn nhà”. Nếu xây hỏng, xây kém chất lượng ít nhất họ phải bồi thường, thậm chí đi tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Thế nhưng cho đến nay, những “thợ xây văn bản” yếu kém trên chẳng ai làm sao cả.
Đó là điều không bình thường bởi những điều này đúng ra phải xử lý nghiêm khắc.
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!