Cầu vồng – Một bài thơ "tức tưởi"!
(Dân trí) - Bài thơ như một tiếng khóc tức tưởi của đứa con bị bỏ lại sau ngày người mẹ “đò đưa theo dòng”. Có giận hờn, có trách móc và có cả yêu thương ẩn sau con chữ: “Ấy là tôi nói áo hoa - Mẹ mua cho tết tỉnh xa gửi về - Dì tôi dỗ áo của dì - Để cho tôi mặc không thì tôi không”.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Cầu vồng
Ấy là tôi nói ngày xưa
Mẹ tôi tái giá đò đưa theo dòng
Không mưa cũng có cầu vồng
Lừa tôi ngõ trước mẹ vòng lối sau.
Ấy là tôi nói ca dao
Con chuồn chuồn ớt đậu vào đời tôi
Bà đừng ru nữa bà ơi
Vít thêm ngọn nắng mùng tơi dậu nhà
Ấy là tôi nói áo hoa
Mẹ mua cho tết tỉnh xa gửi về
Dì tôi dỗ áo của dì
Để cho tôi mặc không thì tôi không
Ghét lây bảy sắc cầu vồng
Giá như chặn được lối vòng cơn mưa.
Nguyễn Ngọc Ly
Đôi nét về Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ly
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Ly là con một chủ nhà in thời Pháp ở Bắc Ninh cũ, sau ngày cải tạo tư sản nhà anh rất khó khăn.
Nguyễn Ngọc Ly ở trên một căn gác xép và làm nghề đạp xích lô, tối anh về thức viết thơ. Tiền nhuận bút không đủ tiền mua bút, Ly sống bằng thu nhập của những vòng quay đạp nặng nhưng đêm đêm căn gác nhỏ vẫn sáng đèn, người đi cày trên cánh đồng chữ vẫn cần mẫn bằng tất cả đam mê. Tôi và Trịnh Văn hay được anh mời rượu và đọc thơ cho nghe trên căn gác xép chật chội ấy.
Ly và người vợ đầu chia tay, anh nuôi con. Sau này gá nghĩa với một phụ nữ cùng cảnh, chị cũng có con riêng gửi ở quê cho em gái nuôi vì anh chị quá khó khăn không dám đón cháu về cùng.
Trưa 30 tết, Ly kiếm được thêm cuốc xe gom tiền mang về cho vợ để chị mua quà mang về quê cho con riêng của chị. Chị đi nhà vắng chỉ còn mấy bố con, con riêng của anh, con chung của anh chị, ngồi chờ chị lên. Buồn làm bật lên tứ thơ hay, anh viết bài thơ Cầu vồng.
Sau này bài thơ được nhà thơ Trinh Đường chọn vào tuyển tập lục bát Việt Nam. Nguyễn Ngọc Ly mất năm 2003, trong nghèo khó.
Phạm Mạnh Tuân
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám sưu tầm và giới thiệu