Cách nhìn khác nhau của hai ĐB Quốc hội cùng mang tên là Nghĩa
(Dân trí) - Hai phát biểu khác nhau, thậm chí rất khác nhau của hai vị Đại biểu Quốc hội cùng của TP HCM, cùng có tên là Nghĩa. Đó là Thiếu tướng, Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa và LS Trương Trọng Nghĩa.
Trên báo Tuổi trẻ ngày 8/11, góp ý về Luật tố cáo, Đại biểu Ngô Tuấn Nghĩa bày tỏ: "Tôi nghĩ trong phạm vi áp dụng của Luật tố cáo không nên đưa việc giải quyết tố cáo các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các bộ công chức, viên chức nghỉ hưu vào luật".
Lý do, ĐB Nghĩa cho rằng có những cán bộ có năng lực, có nhiều cống hiến, có nhiều thành tích trong quá trình công tác nhưng nghỉ hưu rồi hay có những đơn tố cáo lợi dụng để hạ uy tín cán bộ.
"Tôi hiểu vấn đề này rất phức tạp. Cán bộ nghỉ hưu rồi trước đó qua nhiều văn bản điều chỉnh rồi. Không nên tiếp nhận đơn tố cáo đó… Do đó, tôi cho rằng không nên đưa việc tố cáo hành vi cán bộ công chức viên chức nghỉ hưu". ĐB Nghĩa nói.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sau đó 1 ngày (9/11), trên báo Tiền phong, ĐB Trọng Nghĩa bày tỏ khi xây dựng dự thảo luật này vấn đề cần quan tâm đặc biệt là phải có cơ chế để xử lý tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc.
“Ở các nước tài sản không giải trình được nguồn gốc là bị thu giữ và xung công quỹ ngay. Cái này là vấn đề cử tri rất bức xúc. Luật phải làm được điều đó, nếu không thì sẽ không thể thu hồi được tài sản của tham nhũng... Để tham nhũng rồi mới phát hiện, xong xử lý cũng hết sức đau lòng. Rơi vào cảnh đó buộc chúng ta phải làm thôi. Thực ra về nhân văn thì chúng ta không muốn”. ĐB Trọng Nghĩa trăn trở.
Theo người viết bài này, nếu nhìn từ góc độ của Luật phòng chống tham nhũng thì có lẽ ý kiến của ĐB Tuấn Nghĩa có vẻ “duy tình” bởi đành rằng có tình trạng một số đơn tố cáo nhằm hạ uy tín của ai đó. Tuy nhiên, nếu như không xét đơn tố cáo những cán bộ đã nghỉ hưu “vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ” thì vô tình, sẽ trở lại hiện tượng “hạ cánh an toàn”.
Thực tế thời gian qua, việc xử lý một số cán bộ cao cấp nghỉ hưu đã mang lại niềm tin lớn trong dư luận đồng thời có sức răn đe mạnh mẽ, nhất là với các cán bộ có biểu hiện “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”.
Cụ thể, nếu giả sử có đơn tố cáo ông Vũ Huy Hoàng vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ chẳng hạn, mà lấy lý do không xử lý người về hưu thì hoàn toàn không thỏa đáng.
Cuối năm ngoái, trả lời cử tri quận Long Biên, TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định việc xử lý cả những cán bộ cao cấp nghỉ hưu đã mang lại niềm tin lớn vào công cuộc phòng chống tham nhũng. “Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội xây dựng căn cứ pháp lý để xử lý những trường hợp cán bộ đến khi về hưu mới phát hiện sai phạm thế này”. TBT nói.
Về ý kiến của ĐB Trọng Nghĩa thì người viết bài này hoàn toàn đồng tình bởi chỉ có như vậy thì việc kê khai tài sản mới phát huy tác dụng và rộng hơn, công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn đồng thời việc thu hồi tài sản nhờ tham nhũng mà có sẽ không khó khăn như hiện nay và nhất là mới đủ sức răn đe.
Tóm lại, khi xác định tham nhũng là “giặc nội xâm” thì việc trừng trị nó bất kẻ ở đâu và thời điểm nào dù đương chức hay nghỉ hưu cũng đều cần phải quyết liệt, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám