1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không giải trình được nguồn gốc tài sản bất minh, quan chức sẽ bị kiện ra tòa

(Dân trí) - Theo dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, phát hiện cán bộ công chức, viên chức có tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có thể khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý.

(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

Thanh tra Chính phủ cho rằng, để đảm bảo cho việc kê khai được chính xác, trung thực nhằm kiểm soát có hiệu quả hơn tài sản, thu nhập của người kê khai, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đã mở rộng căn cứ xác minh tài sản, thu nhập so với quy định hiện hành, bao gồm: Khi có căn cứ việc kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý; khi có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định việc xác minh bắt buộc đối với những người dự kiến bầu, bổ nhiệm, phân công giữ chức vụ và hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 0,9 trở lên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức liêm chính hoặc khi người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xét thấy cần xác minh tài sản, thu nhập của người được dự kiến bầu, bổ nhiệm, cử giữ chức vụ và được hưởng phụ cấp trách nhiệm dưới 0,9 trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý là quy định mới được dự thảo luật đưa ra nhằm thể chế hóa chỉ đạo của Đảng về việc nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Cụ thể, dự thảo quy định, qua xác minh kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai thì cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý thuế xem xét, xử lý và truy thu thuế nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu không giải trình được một cách hợp lý.

Kết quả xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý phải được công khai cho nhân dân được biết.

Theo cơ quan soạn thảo, kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy để minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có hiệu quả thì cần hướng tới quản lý tài sản và kiểm soát thu nhập, chi tiêu trong toàn xã hội. Trong khi chưa thiết lập được cơ chế quản lý tài sản và kiểm toán thu nhập, chi tiêu toàn xã hội thì một số quốc gia đã áp dụng các phương thức thu hồi tài sản tham nhũng khác nhau như quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất chính (hiện có 45 nước và vùng lãnh thổ áp dụng điều này) và thu hồi hình sự đối với tài sản, thu nhập bất minh hoặc thu hồi dân sự đối với tài sản tham nhũng…

Việc đưa ra các giải pháp về thu hồi tài sản tại Việt Nam cần quán triệt chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và dựa trên các nguyên tắc pháp quyền, đảm bảo quyền công dân và quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật.

“Theo đó, việc tịch thu tài sản tham nhũng chỉ được thực thi khi có bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về hành vi tham nhũng của cá nhân và tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng đó”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kế thừa quy định của Luật hiện hành, dự thảo đã bổ sung thêm quy định về hợp tác thu hồi tài sản tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng và nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Theo đó, VKSND Tối cao được giao là cơ quan đầu mối quốc gia trong việc hợp tác với nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và chủ trì thực hiện việc cung cấp thông tin, tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam và tiếp nhận, xử lý các yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài.

Quốc hội có thể lập Ủy ban lâm thời điều tra tham nhũng

Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng cũng được dự thảo luật đề cao hơn so với Luật hiện hành khi quy định việc thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được xã hội quan tâm. Quy định này, theo cơ quan soạn thảo, nhằm tăng cường sự giám sát của Quốc hội trong việc xem xét, xử lý các vụ việc tham nhũng lớn, nghiêm trọng.

Ngoài ra, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát công tác phòng ngừa tham nhũng thuộc lĩnh vực do mình phụ trách. Ủy ban tư pháp của Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng cụ thể hơn, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan này trong phòng, chống tham nhũng.

Thế Kha