“Cách mạng” giáo dục, không bây giờ thì chờ đến bao giờ?

(Dân trí) - Có lẽ nhiều năm về sau, người dân Việt Nam sẽ còn nhắc lại thời điểm lịch sử này, khi mà rất nhiều hoạt động thường nhật đã phải tạm ngưng lại trong cuộc chiến chống Covid-19.

“Cách mạng” giáo dục, không bây giờ thì chờ đến bao giờ? - 1

Thật hiếm khi nào mà học sinh trên cả nước có một “kỳ nghỉ Tết” kéo dài như vậy. Vẫn còn có những tranh cãi, những ý kiến này ý kiến khác về vấn đề này, song chúng ta đều thống nhất rằng, việc đảm bảo an toàn cho trẻ vẫn là ưu tiên trên hết.

Cho đến ngày 12/3, Việt Nam ghi nhận 44 ca dương tính với Covid-19 và hàng trăm người phải cách ly. Giai đoạn 2 chống dịch trở nên phức tạp hơn khi nguồn dịch bệnh bị mở rộng với việc xuất hiện nhiều vùng dịch hơn trên thế giới ngoài Trung Quốc.

Thế nên, chắc chắn rằng, quyết định mở cửa lại trường học sẽ phải được cân nhắc rất kỹ, không thể ngày một ngày hai, đặc biệt là với độ tuổi trẻ mầm non, tiểu học chưa có nhận thức đầy đủ trong giữ gìn vệ sinh thân thể và bảo vệ sức khoẻ cá nhân. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng từng khẳng định, chỉ khi phụ huynh thực sự an tâm thì mới cho trẻ đến trường.

Bối cảnh đó bắt buộc ngành giáo dục phải “vận động”, phải thay đổi để thích ứng. Bên cạnh những văn bản điều hành mang tính “phản ứng nhanh” với thực tế, lên kế hoạch nghỉ tiếp hay trở lại trường học thì điều quan trọng là phải có được chiến lược lâu dài.

Người viết cho rằng, nên coi đây là cơ hội để cải cách phương pháp giáo dục, thậm chí tạo ra cuộc cách mạng về tư duy giáo dục.

GS.TS Nguyễn Hữu Châu, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội trao đổi trên Dân trí đã góp ý rằng, Việt Nam có thể học các quốc gia phát triển là tăng cường việc học di động, trong đó có việc học bằng điện thoại di động (Mobile learning).

Theo GS Châu, học bằng điện thoại di động rất tiện ích với tất cả mọi người, vì có thể học mọi nơi, mọi lúc chỉ với chiếc điện thoại di động. Đó là nói về tính tiện lợi và khả thi của phương pháp này.

Hơn thế, nhìn về tương lai, khi công nghệ thông tin xâm nhập rất mạnh vào giáo dục cũng đồng nghĩa rằng, cách thức truyền đạt kiến thức trong giáo dục sẽ thay đổi theo.

Theo đó, mục tiêu và nhiệm vụ của giáo dục cần hướng đến sự phát triển của mỗi cá nhân và quá trình dạy học phải có tính phân hóa, tới mức “cá nhân hóa triệt để”. Các chương trình học trên máy tính sẽ cho phép mỗi học sinh chọn môn học, chọn học một số phần của nội dung môn học, chọn cách thức, công cụ học và cả thời gian phù hợp với bản thân để đạt được chuẩn chung của mỗi môn học.

Với tinh thần này, việc học có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, “nhà trường” với ý nghĩa vật chất trong tương lai không còn như trước và học sinh có thể lựa chọn học ở những không gian thích hợp khác (thư viện, ở nhà) thay vì trường học truyền thống.

Nói cách khác, trong phương pháp mới, học sinh sẽ được phát huy tối đa sự chủ động, tăng tính chịu trách nhiệm với hoạt động học tập của mình.

Trước đây, chúng ta đã bàn đến “mòn bút” để phản đối cách học “thầy đọc, trò chép”, lối truyền đạt áp đặt về kiến thức của giáo viên đối với học sinh… Thế nhưng, suốt nhiều năm vẫn chưa có sự đột phá nào. Vậy nên, “sự cố” Covid-19 lần này cũng có thể coi là “thời cơ” cho ngành giáo dục thay đổi.

Được biết, mới đây, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nề nếp, chất lượng.

Một số địa phương và một số cơ sở giáo dục đã có cách xoay xở đáng để học hỏi. Chẳng hạn như tại Hà Nội, Sở GD&ĐT đã quyết định phối hợp với Đài phát thanh Truyền hình Hà Nội triển khai mô hình dạy học trên truyền hình với lớp 9 và lớp 12 từ 9/3 - 14/3.

Sự ngưng trệ do Covid-19 gây ra là điều không ai mong muốn. Song “trong nguy cơ có cơ hội”, “cái khó, ló cái khôn”, những nhà quản lý giỏi chính là những chiến lược gia sẽ biết tận dụng thời cuộc để tạo nên thay đổi!

Bích Diệp