“Cả nhà ta cùng nhau… lên quan” và nỗi lo “quốc tế”
(Dân trí) - Nếu như với cách tuyển chọn “cả nhà ta cùng nhau lên quan” thì chẳng còn chỗ cho người dân và càng không có chỗ cho những những du học sinh, dù người đó có tài năng đến mấy. Nỗi lo “hậu duệ” có lẽ không còn là nỗi lo “quốc nội” mà đã mang tầm “quốc tế”!
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Việc du học sinh “ra đi đầu không… ngoảnh lại” giờ đây không còn là chuyện hiếm. Nếu những năm trước đây, du học sinh Việt Nam được cử ra nước ngoài học tập, niềm khát khao lớn nhất và duy nhất là trở về phục vụ Tổ quốc, cống hiến cho quê hương thì giờ đây, khi có cơ hội là hiếm người quay trở lại chốn quê nhà.
Việc 12/13 thí sinh đoạt vòng nguyệt quế trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia, chỉ có duy nhất một em trở về quê hương có thể coi như một điển hình. Tất nhiên, những người ở lại nước ngoài có 1001 lý do “chính đáng” để biện minh như môi trường làm việc, cơ sở vật chất, chính sách đãi ngộ, kinh phí để tài trợ cho các công trình khoa học… và cả môi trường văn hóa.
Khi ra nước ngoài, họ được tiếp thu tinh thần dân chủ trong khoa học, được phản biện thẳng thắn mà không bị chi phối bởi tư tưởng già làng, trưởng bản, sự cả nể và thứ bậc khoa bảng. Họ không (hoặc ít) vấp phải tư tưởng đố kị hẹp hòi, ganh tị, thậm chí vùi dập, trù úm…
Họ không vấp phải một hệ thống hành chính mà như dân gian gọi “hành là chính” và đặc biệt, họ không phải “gánh chịu” thứ “văn hóa quan hệ” mà ở đó, “trí tuệ” đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng gồm 4 thang bậc: "Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”.
Một câu chuyện vừa được báo Người Lao động nêu lên trong bài “Cả họ tham gia bộ máy lãnh đạo huyện” khiến không khỏi không suy nghĩ. Đó là ngay tại Thủ đô Hà Nội, trong một huyện có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện.
Cụ thể, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí quan trọng của UBND huyện có liên quan trực tiếp tới Bí thư Huyện ủy như Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, phó ban quản lý dự án, Phó Phòng Kinh tế, Trưởng Phòng Dân tộc học, Phó Ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, kế toán Phòng Quản lý đô thị... Một vị Phó Chủ tịch huyện khác có 2 con trai cũng làm ở Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nội vụ của huyện.
Giải thích điều này, ông Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy (chú của vị Bí thư) cho biết, việc bổ nhiệm cán bộ trước tiên phải nằm trong quy hoạch, có phẩm chất tốt, có năng lực. Các vị trí công tác đều cần thiết và trải qua quá trình tuyển chọn, cân nhắc theo đúng quy trình…
Tất nhiên là “cần thiết”. Tất nhiên họ đều là những người có “phẩm chất tốt, có năng lực”. Cũng tất nhiên và rất tất nhiên là… “đúng qui trình”.
Thế nhưng chả lẽ một huyện có tới 177.000 dân nhưng chỉ con cháu lãnh đạo huyện mới có các “điều kiện” và “phẩm chất” này?
Và chả lẽ chốn công đường, gặp nhau là anh em, chú cháu, ông con, cô dì…?
Nếu như với cách tuyển chọn “cả nhà ta cùng nhau lên quan” thì chẳng còn chỗ cho người dân và càng không có chỗ cho những những du học sinh, dù người đó có tài năng đến mấy.
Nỗi lo “hậu duệ” có lẽ không còn là nỗi lo “quốc nội” mà đã mang tầm “quốc tế”!
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!