Buôn bán quyền lực và tham nhũng quyền lực

(Dân trí) - Đóng góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XII, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, phòng chống tham nhũng là việc phải “làm rõ” trong trung ương khóa tới.

 

Buôn bán quyền lực và tham nhũng quyền lực - 1

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ông Truyền phân tích: “Nhưng giờ đây “chạy chức, chạy quyền” đã nhân thêm một bước nữa, đó là buôn bán quyền lực. Nếu buôn bán quyền lực xảy ra, nó sẽ kéo theo nhiều hậu quả làm suy yếu hệ thống công chức”.

“Chạy chức, chạy quyền” chuyển sang một hình thức mới là “buôn bán quyền lực”, càng nghĩ  càng thấy kinh. Bởi vì chạy chức, chạy quyền còn mang tính đơn lẻ, người tham quyền chạy chọt để được cái chức cái quyền, sự chủ động thuộc về người chạy. Còn ở hình thức “buôn bán quyền lực” thì nó đã trở thành một cái chợ, trở thành thị trường và người có quyền lực chủ động cung cấp “sản phẩm” cho người có nhu cầu, tính phổ biến cao hơn. Những người có quyền trong tay ra giá, giá của một cái ghế bao nhiêu và những người mua chức quyền cứ thế mà… đấu giá.

Đương nhiên, một khi chức quyền là thị trường buôn bán, thì hệ thống công chức không thể chọn được người có tài đức, mà chủ yếu là người bỏ tiền mua chức, suy yếu là điều không tránh khỏi. Cảnh báo của ông Lê Truyền không thể không lưu tâm.

Người ta bỏ tiền ra mua chức không phải để ngồi ăn đồng lương nhà nước, mà để  thu hồi vốn bằng cách tham nhũng. Có nhiều cách tham nhũng, trong đó có “tham nhũng quyền lực”. Và đây chính là thứ tham nhũng nguy hiểm nhất. Có quyền  lực mới trở thành người buôn bán quyền lực. Quyền lực là một thứ hàng hóa vô giá, nên giới buôn bán quyền lực siêu giàu. Nếu như những kẻ buôn bán quyền lực “lên sàn chứng khoán”, thì các ông tỉ phú có tên tuổi trên sàn hiện nay phải ngã nón chào thua trước tài sản của họ. Chỉ có điều, họ không cần cái danh đại gia trên sàn mà là “ông quyền lực” dưới sàn.

“Buôn bán quyền lực” là một hình thức tham nhũng, bởi vì lợi dụng quyền lực để bán chức hay nói cách khác là bán quyền lực cũng là tham nhũng. Đồng tiền tham nhũng loại này không lấy từ túi của nhà nước mà lấy từ túi của người mua quyền lực, tuy nhiên hậu quả của nó là những kẻ bất tài vô năng sẽ phá nát đất nước.

“Tham nhũng quyền lực” cũng có nhiều cách, dùng quyền để chiếm quyền là tham nhũng quyền lực, dùng quyền để sắp xếp cho con cái chức vụ cao cho dù con cái bất tài cũng là tham nhũng quyền lực. Và rồi, lại theo “đúng quy trình”, đó là tham nhũng quyền lực để có quyền lực, có quyền lực để buôn bán quyền lực.

Cho nên, lời của ông Lê Truyền rất gan ruột: “Phải đặt việc chống tham nhũng là một việc cực kỳ quan trọng của Trung ương lần này, vì nếu không kiểm soát được quyền lực thì tất cả những khuyết điểm và mong muốn khắc phục sẽ không bao giờ làm được”.

Lê Chân Nhân