“Bước qua lời nguyền” cố hữu

(Dân trí) - Xin chúc mừng Ban Giám khảo, những người đã dũng cảm “bước qua lời nguyền” cố hữu để bỏ phiếu bầu cho những con người “chẳng có chức, chẳng có tiền, chẳng có quyền, chỉ có tấm lòng nghĩa hiệp”.

Trên thế giới, việc bình chọn nhân vật của năm đã được nhiều cơ quan thông tấn tổ chức thực hiện với các tiêu chí khác nhau. Tạp chí Time, một cơ quan truyền thông hàng đầu thế giới bình chọn theo tiêu chí là có ảnh hưởng lớn đến các sự kiện trong năm bất kể về mặt tích cực hay tiêu cực. Năm nay, danh hiệu này đã thuộc về Người biểu tình, bởi theo họ, những người biểu tình đã xác lập lại sức mạnh con người trên thế giới và tái định hình nền chính trị toàn cầu. “Họ bất bình, họ đòi hỏi, họ không tuyệt vọng thậm chí cả khi họ bị đáp trả bằng hơi cay hay những viên đạn. Họ đã hiện thực hóa suy nghĩ rằng hành động cá nhân có thể tạo ra sự thay đổi lớn”, Tổng Biên tập Time Rick Stengel nói.
 
“Bước qua lời nguyền” cố hữu - 1
 
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Ở Việt Nam, Nhân vật của năm 2011 do VNExpress tổ chức bình chọn theo tiêu chí “là người hoặc tập thể có hoạt động nổi bật trong năm, có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, hoặc có thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, thể thao”.

Vượt qua những gương mặt xuất sắc trong danh sách đề cử như Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Tướng Nguyễn Chí Vịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ thủ Lê Quang Liêm, danh hiệu Người của năm do VNExpress bình chọn thuộc về các Hiệp sĩ săn bắt cướp. Đây là điều bất ngờ trong hợp lý. Bất ngờ bởi họ, những người dân bình thường như lời một thành viên ban bình chọn “họ chẳng có chức, chẳng có tiền, chẳng có quyền, chỉ có tấm lòng nghĩa hiệp”. Hợp lý bởi những gì họ đã làm cho đời sống xã hội. Họ không “xác lập lại sức mạnh con người trên thế giới và tái định hình nền chính trị toàn cầu” như Người biểu tình của Tạp chí Time nhưng họ đã đem lại sự yên bình cho một cộng đồng dân cư rộng lớn và hơn thế, họ thức tỉnh sự vô cảm và minh chứng cái thiện không bao giờ khuất phục trước cái ác - Người lương thiện không thể sợ kẻ ác. Họ là những người lao động bình thường như lời giới thiệu của VNExpress “xuất thân đủ ngành nghề, từ xe ôm, bán bánh mì hay là ông chủ cửa hàng... nhưng họ đều có chung tinh thần xả thân chống lại cái ác”.

Sự hợp lý còn ở chỗ họ đã hi sinh không chỉ mồ hôi, máu mà cả mạng sống của mình. Đó là hiệp sĩ Nguyễn Xuân Chinh tử nạn trên đường truy bắt cướp. Là hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiến bị một nhóm giang hồ xách hung khí vào tận nhà chém xối xả vì “tội” dám “thò mũi” vào chuyện làm ăn bất chính của chúng. Là gần một chục tên côn đồ xông vào đánh hiệp sĩ già Phạm Văn Thúc (66 tuổi) gây đa chấn thương, gãy xương đùi khi ông giải thoát cho một người say rượu. Là hiệp sĩ Ngô Trung Thành bị thương nặng vì hai tên cướp giật chống trả trên đường truy đuổi...

Khởi đầu từ một nhóm người nghĩa hiệp ở Phường Phú Hòa (Bình Dương) do anh Nguyễn Thanh Hải đứng đầu, đến nay Hiệp sĩ săn bắt cướp đã phát triển thành 81 CLB với 2.700 thành viên, đã triệt phá 1.060 vụ án hình sự, tóm gọn 1.500 tên tội phạm, thu giữ tài sản giá trị hàng tỉ đồng trả lại cho người dân. Đặc biệt là vụ bắt bọn rải đinh trên đường quốc lộ, một loại tội phạm rất tinh vi và có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

BLOG Dân trí xin được chúc mừng VNExpress đã tổ chức cuộc bình chọn nhiều ý nghĩa này. Xin chúc mừng các hiệp sĩ đã đạt danh hiệu cao quý và đặc biệt, xin chúc mừng Ban Giám khảo, những người đã dũng cảm “bước qua lời nguyền” cố hữu để bỏ phiếu bầu cho những con người “chẳng có chức, chẳng có tiền, chẳng có quyền, chỉ có tấm lòng nghĩa hiệp”.

Bạn có cùng ý nghĩ như chúng tôi không?

Bùi Hoàng Tám