Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội?

(Dân trí) - Việc hàng loạt cán bộ bị kỉ luật cùng với hàng loạt dự án lớn bị thua lỗ, đổ bể không thể không có trách nhiệm giám sát của Quốc hội. Nếu Quốc hội làm tốt vai trò giám sát của mình, chắc chắn hoặc sẽ không xảy ra, hoặc sẽ giảm bớt đáng kể hậu quả.

Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh có nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội? - 1

Một cuộc đàm luận sôi nổi đang diễn ra không chỉ trong nghị trường, nơi đang bàn việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội. Đó là xung quanh việc Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh có nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội hay không?

Thực tế ở ta hiện nay, không ít đại biểu Quốc hội tham gia công tác hành pháp. Trong đó, nhiều người nắm những vị trí chủ chốt như Bộ trưởng hay Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) bày tỏ: “Có những người kiêm nhiệm không phù hợp. Ví dụ bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, không phải ai kiêm nhiệm cũng tốt. Có những người anh đưa vào có khi còn làm Quốc hội yếu đi vì 5 năm trời không làm được bao nhiêu, thời gian cũng ít, nói năng cũng ít, tác động đóng góp cũng ít. Đoàn đại biểu có 7-8 người mà có 2-3 người không nói gì, không làm gì thì coi như đoàn đại biểu đó yếu hẳn… Khi một bộ trưởng đồng thời cũng là đại biểu dân cử, trong người ông đã có xung đột lợi ích”. Ông Nghĩa nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà (đại biểu Bà Rịa- Vũng Tàu) đặt câu hỏi: “Phải chăng cứ bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh phải là đại biểu Quốc hội? Chúng tôi muốn chuyển phần này sang để Quốc hội không tăng số lượng nhưng tăng số đại biểu chuyên trách của Quốc hội. Đặc biệt là những đại biểu chuyên trách có kiến thức, kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật”.

Bộ trưởng Hà cho rằng là Bộ trưởng mà không làm đại biểu Quốc hội vẫn có thể tham dự các cuôc họp của Quốc hội theo thành phần khách mời. Quốc hội có quyền yêu cầu các thành viên Chính phủ cả Trung ương và lãnh đạo các địa phương để báo cáo giải trình, trả lời chất vấn. Nhiều đại biểu khác cũng có ý kiến tương tự.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi thì cho rằng, không cần 500 đại biểu mà 400 cũng được, nhưng tăng số lượng đại biểu chuyên trách để họ chuyên tâm làm công tác lập pháp một cách độc lập, không bị chi phối.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà cho rằng vừa cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách vừa tăng cường năng lực của đại biểu kiêm nhiệm đồng thời ủng hộ việc Bộ trưởng về hưu, có trình độ, thì quay về làm đại biểu chuyên trách và cho rằng phương án đó rất tốt. Ông Hà còn mong muốn mỗi đại biểu chuyên trách có một đội ngũ giúp việc tinh nhuệ để tư vấn.

Tóm lại, các ý kiến cho thấy thứ nhất, cần tăng số lượng đại biểu chuyên trách đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất người của cơ quan hành pháp tham gia cơ quan lập pháp bởi nếu chồng chéo, sẽ dễ dẫn đến xung đột lợi ích và từ đó, làm giảm chức năng giám sát của Quốc hội. Một ông chủ tịch tỉnh hoặc chủ tịch Hội đồng Nhân dân hay bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thì có lẽ khó có đại biểu “lính trơn” nào dám “giám sát” trừ khi muốn… “tự sát”!

Thứ hai, cần cân nhắc số lượng và cả năng lực đại biểu bởi thực tế cho thấy, không ít đại biểu suốt cả nhiệm kỳ “không nói gì, không làm gì”.

Thứ ba, có nên quá nặng về cơ cấu như vùng miền, giới tính… bởi Quốc hội là nơi tập trung trí tuệ toàn dân với ba nhiệm vụ rất lớn là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề trọng đại quốc gia. Do đó, Quốc hội phải hội tụ được những tinh hoa nhất của đất nước cả về tài và đức.

“Không phải cứ cơ cấu đồng đều hết giống như Mặt trận. Quốc hội phải lựa chọn những đại biểu có năng lực, có điều kiện để làm nhiệm vụ dân cử” như lời đại biểu Nghĩa.

Công bằng nhìn lại, các hoạt động của Quốc hội các nhiệm kỳ qua đã có nhiều thành tựu, song cũng không ít hạn chế, nhất là với chức năng giám sát.

Việc hàng loạt cán bộ bị kỉ luật cùng với hàng loạt dự án lớn bị thua lỗ, đổ bể không thể không có trách nhiệm giám sát của Quốc hội. Nếu Quốc hội làm tốt vai trò giám sát của mình, chắc chắn hoặc sẽ không xảy ra, hoặc sẽ giảm bớt đáng kể hậu quả.

Hi vọng rằng việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này sẽ thật sự chặt chẽ, khoa học để hoạt động của Quốc hội hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt là tránh những sơ suất bởi nếu sai bên hành pháp là sai phần ngọn thì sai bên lập pháp là sai phần gốc.

Bùi Hoàng Tám