Báo chí Việt Nam và đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Báo chí không chỉ thường xuyên thông tin về dịch bệnh mà còn hỗ trợ ngành y tế tuyên truyền các biện pháp, các khuyến cáo, chỉ dẫn, đặc biệt là chống hoang tin là một phần trách nhiệm xã hội của mình.
Ngày kỷ niệm 95 năm Báo chí cách mạng Việt Nam đã diễn ra hôm qua (21/6). Đã có nhiều điều ý nghĩa được nói, vinh danh nghề báo trong dịp này. Nhưng có lẽ, một trong câu chuyện cụ thể mà báo chí Việt Nam được ghi nhận trong thời gian qua là đã rất có trách nhiệm trong thông tin và công tác xã hội trong đại dịch Covid-19.
Chúng ta đều đã thấy, vừa qua, báo chí thế giới đã ghi nhận, đánh giá rất cao Việt Nam về hiệu quả chống dịch Covid-19. Cụ thể, một số tờ báo nổi tiếng của nước ngoài như Forbes đã công bố kết quả một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường YouGov cho biết, với 89%, Việt Nam chúng ta đứng đầu trong trong số các quốc gia có chỉ số tin cậy cao nhất đối với các thông tin về COVID-19 trên báo chí.
Bộ Y tế cũng đã đưa ra đánh giá, thành công của Việt Nam một phần là nhờ chiến thắng trên mặt trận thông tin. Theo một cán bộ của Bộ Y tế, báo chí không chỉ thường xuyên thông tin về dịch bệnh ở những vị trí cao nhất mà hỗ trợ ngành y tế tuyên truyền các biện pháp, các khuyến cáo, chỉ dẫn, và đặc biệt là chống hoang tin là một phần trách nhiệm xã hội của mình.
Cho đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 ở trong nước đã tạm lắng xuống nhưng đại đa số các cơ quan báo chí vẫn duy trì thường xuyên thông tin hàng ngày về dịch bệnh ở các vị trí cao nhất trên báo để giúp người dân nắm bắt và cảnh giác nguy cơ quay trở lại của căn bệnh nguy hiểm này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã ghi nhận “Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, bởi chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này” (dangcongsan.vn).
Theo Phó Thủ tướng, việc thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, một phần là nhờ những người làm công tác thông tin truyền thông.
Một trong những điều nguy hiểm, có thể tác động làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch vừa qua, nhất là thời kỳ đầu chống dịch là nạn tin giả (fakenews) thì báo chí lại đóng vai trò rất tốt khi đã thể hiện là kênh thông tin chính thống, nơi người dân có thể hoàn toàn đặt niềm tin.
Nếu như trên các mạng xã hội, nhất facebook, có những thời điểm thông tin sai lệch về dịch bệnh Covid-19 khá nhiều, khiến cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử phạt hàng trăm trường hợp các tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai thì điều này đã không xảy ra trên báo chí. Hãn hữu có một số báo có thông tin chưa đúng nhưng đó chủ yếu do sơ suất về kỹ thuật, thiếu kiểm chứng.
Nhưng về cơ bản, thời gian qua, tin tức trên hầu hết các báo đều chính xác và thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên báo chí thực sự là nơi được người dân tin tưởng, trông đợi trong thời gian vừa rồi.
Không chỉ làm tốt công tác thông tin, nhiều cơ quan báo chí đã tham gia rất tích cực công tác xã hội, hỗ trợ các y, bác sĩ, chiến sĩ ngành công an, quân đội... trực tiếp tham gia phòng, chống dịch. Nhiều cơ quan báo chí đã tổ chức, kêu gọi các chương trình thiện nguyện, tài trợ kinh phí, mua các dụng cụ, trang thiết bị y tế để cung cấp, tặng cho các cơ sở y tế, chia sẻ khó khăn cho đội ngũ các y, bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội trên tuyến đầu chống dịch.
Một số nhà báo cũng thể hiện trách nhiệm xã hội cao bằng cách lập ra những diễn đàn, trang thông tin cá nhân trên mạng xã hội chia sẻ thông tin, kiến thức chống dịch, phát hiện các tin giả để giúp người dân và cơ quan chức năng nắm bắt, nhận diện các luồng thông tin thật, giả trên mạng xã hội.
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những người làm báo có nhiều điều để tự hào về nghề nghiệp của mình. Nhưng có lẽ năm nay, một trong những điều báo chí được người dân ghi nhận, đánh giá cao nhất chính ở những điều đã làm được trong công tác xã hội, trong trách nhiệm đưa tin về đại dịch Covid-19, đóng góp tích cực trong những cố gắng chung của cả nước để đẩy lùi đại dịch này.
Mạnh Quân