Bạn sẽ nói “CÓ” hay “KHÔNG”?
(Dân trí) - Nói CÓ tức là đồng tình với việc sẽ có người mất đi mạng sống. Còn nếu nói KHÔNG tức là sẽ có nhiều kẻ lợi dụng lòng nhân đạo mà cướp đi miếng cơm, manh áo của biết bao người dân lương thiện nghèo khổ... Và sâu xa hơn, dân mình còn nghèo khổ đến bao giờ? Đất nước sẽ ra sao nếu nạn tham nhũng cứ tràn lan…!?
Một bộ luật quan trọng sắp được lấy ý kiến nhân dân. Đó là Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất quy định việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm nhưng chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Đây là vấn đề từng gây nhiều tranh cãi với hai luồng ý kiến rất khác nhau.
Ý kiến đồng tình thì cho rằng đây quy định này nhằm hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết 49 về giảm hình phạt tử hình đồng thời cũng là xu hướng chung của các nước văn minh.
Mục đích chính của quy định này nhằm tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực bằng những hành động cụ thể để khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, hợp tác tích cực trong việc phát hiện, khám phá tội phạm hoặc có sự lập công lớn.
Tuy nhiên, nhiềui không đồng tình với đề xuất đó và cho rằng, ở khía cạnh nào đó sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình. Đặc biệt là với tình trạng tham nhũng nghiêm trọng và tâm lý hi sinh đời bố, củng cố đời con đang được cho là khá phổ biến hiện nay.
Điều khó ở đây là nếu như có những hình phạt nghiêm khắc thì tính răn đe cao nhưng khó thu hồi lại được tài sản và cũng không cho những tội phạm có cơ hội khắc phục hậu quả.
Mặt khác, việc thực hiện án tù cũng là “bất đắc dĩ”, không thể không thi hành vì nó để lại những hậu quả khôn lường cho cả gia đình và xã hội.
Nguy hiểm hơn, gần đây nhất là vụ việc bắt được Giang Kim Đạt đã xuất hiện điều lo ngại mà ông Phí Ngọc Tuyển - Phó cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thì có thể thấy những kẽ hở trong việc kiểm soát “dòng chảy” tiền tham nhũng từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Có lẽ chính vì thế, cần phải có sự đồng thuận nên Chính phủ đã báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép lấy ý kiến nhân dân và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp nhận.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn yêu cầu “việc lấy ý kiến phải đảm bảo khoa học, thiết thực và hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí. Các bộ ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND địa phương phải nghiêm túc thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”.
Thật tình, không biết các bạn thế nào còn với cá nhân mình, nếu bây giờ phải trả lời CÓ hoặc KHÔNG, mình cũng rất băn khoăn bởi nói CÓ tức là đồng tình với việc sẽ có người mất đi mạng sống. Đành rằng, họ gây ra thì họ phải gánh chịu nhưng từ trong thâm tâm, vẫn không khỏi ngậm ngùi bởi điều quý giá nhất trên đời này là cuộc sống.
Còn nếu nói KHÔNG tức là sẽ có nhiều kẻ lợi dụng lòng nhân đạo mà cướp đi miếng cơm, manh áo của biết bao người dân lương thiện nghèo khổ. Họ ốm đau sẽ không có thuốc chữa. Con cái họ sẽ không được đến trường. Sẽ nhiều nhiều cây cầu không được xây dựng để rồi mỗi mùa nước lũ, cả nước lại mất đi hàng chục mạng người….
Và sâu xa hơn, dân mình còn nghèo khổ đến bao giờ? Đất nước sẽ ra sao nếu nạn tham nhũng cứ tràn lan…!?
Khi lấy ý kiến nhân dân, mỗi chúng ta chỉ có quyền lựa chọn một câu trả lời và khi đó, bạn sẽ nói CÓ hay KHÔNG?
Bùi Hoàng Tám
BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.
Cám ơn các bạn!