1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tham nhũng khắc phục hậu quả tốt có thể thoát án tử hình?

(Dân trí) - Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm nhưng chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Tham nhũng khắc phục hậu quả tốt có thể thoát án tử hình?
Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 15/7 và kéo dài trong 2 tháng.

Chiều qua 15/7, Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết nội dung lấy ý kiến nhân dân bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trong đó có 8 vấn đề trọng tâm gồm: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn...

Trong số 8 vấn đề trọng tâm xin ý kiến, đáng chú ý có quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Các tội cụ thể, theo dự thảo, gồm: tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ. Người được áp dụng quy định này phải chịu án tù chung thân.

Theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vấn đề này hiện nay đang có  2 loại ý kiến khác nhau. Ý kiến đồng tình thì cho rằng đây quy định này nhằm hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết 49 về giảm hình phạt tử hình. Mục đích chính của quy định này nhằm tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực bằng những hành động cụ thể để khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, hợp tác tích cực trong việc phát hiện, khám phá tội phạm hoặc có sự lập công  lớn. Ban soạn thảo cũng cho biết đây là kinh nghiệm của Trung Quốc nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm tham nhũng.

Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai không đồng tình với đề xuất đó lại cho rằng, ở khía cạnh nào đó sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đây là bộ luật rất quan trọng nên Chính phủ đã báo cáo Thường vụ Quốc hội cho phép lấy ý kiến nhân dân và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp nhận.

Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo việc lấy ý kiến rộng rãi đối với công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước cũng như kiều bào ở ngoài nước. “Việc lấy ý kiến phải đảm bảo khoa học, thiết thực và hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí. Các bộ ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND địa phương phải nghiêm túc thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thế Kha