“Ba say chưa chai” và ý tưởng vớt rác sông Tô Lịch!?

(Dân trí) - Đã có ý kiến cho rằng nên phục hồi chế độ phạt lao động công ích cho hành vi lái xe khi say rượu. Mình hoàn toàn ủng hộ và nếu ở Hà Nội, mình kiến nghị cho đi vớt rác 3 ngày ở các sông Kim Ngưu, Tô Lịch…

 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Một tin vui đối với… bơm nhậu! Đó là thông tin UB An toàn giao thông Quốc gia (UB ATGT) và Hiệp hội Bia-Rượu &Nước giải khát Việt Nam (RB&NGK) đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phòng chống lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ - “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Theo đó, điểm kinh doanh rượu bia an toàn là phải có địa điểm trông giữ xe qua đêm, có tối thiểu 2 nhân viên có giấy phép lái xe để đưa xe về cho khách và có nhân viên đưa khách về bằng xe máy; nhà hàng phải phối hợp hãng taxi để đưa khách về đảm bảo an toàn; nhân viên nhà hàng phải có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu tới khách hàng về việc không nên lái xe sau khi khách sử dụng rượu, bia và có thể gửi xe lại quán hoặc nhờ người đưa về; trong nhà hàng có những pano, áp phích tuyên truyền…

Tuyệt vời!

Tuyệt vời bởi trước hết, đây là nỗ lực của UB ATGTQG và Hiệp hội RB&NGK nhằm khắc phục tình trạng tràn lan hiện nay, đó là lái xe sau khi đã uống bia rượu, thậm chí trong trạng thái say đến mức không làm chủ được hành động của mình.

Mình có một người bạn cách đây 6 năm ngã gãy vai phải, cách đây 3 năm ngã gãy 2 răng cửa và cách đây một năm ngã gãy nốt… vai trái. Vợ anh này tức quá bảo chồng, còn “cái gì” thì sao nó không… gãy nốt. Thế mà lão ta còn nhăn răng ra cười nói rằng “cái gì cứng mới gãy chứ nó như… bún thì gãy làm sao được”!

Tuyệt vời còn bởi từ nay, các bợm nhậu tha hồ mà zô! zô! zô! zô!... đến 101% bởi nếu say rượu, chủ quán sẽ phải đưa về tận nhà.

Vậy thì dại gì mà không say, nhỉ?

Thế nhưng khổ nỗi người say mà biết mình say thì lại chưa phải là say. Người viết bài này đã chứng kiến hai người bạn cãi nhau ỏm tỏi, cả hai ông đều tranh nhau cầm lái, ông nọ bảo ông kia say còn mình thì… “ba say chưa chai”.

Họ cãi nhau nửa tiếng đồng hồ cho đến độ tý nữa thì choảng nhau vì “ai bảo mày bảo… tao say”, rồi sau đó ôm nhau hu hu… khóc!

Nói chuyện người say ở đất nước mỗi năm tiêu thụ hàng tỉ lít bia rượu thì nói cả ngày và cười cũng cả ngày.

Song chuyện nghiêm túc, bia rượu là “bạn tri kỉ-đồng hành” của tai nạn giao thông. Theo con số thống kê của Bộ Y tế, số vụ tại nạn giao thông do bia rượu lên đến 70% và thường tăng cao vào dịp tết.

Đây thực sự là mối hiểm họa khôn lường cho toàn xã hội.

Đã có không biết bao nhiêu người say gây tai nạn cho mình và cho người khác. Đã có bao nhiêu gia đình cha mất con, con mất cha, vợ mất chồng, anh em mất nhau… chỉ vì tai nạn giao thông do rượu.

Vì vậy, nỗ lực của UBATGTQG và Hiệp hội RB&NGK là đáng ghi nhận.

Song thật tình, cá nhân mình và có lẽ cũng không ít người nghi ngờ khả năng thành công của phương án này nếu nó không đi với những biện pháp cứng rắn.

Ở nhiều nước, người sử dụng phương tiện giao thông có nồng độ cồn trong máu cao quá độ cho phép bị tước bằng lái xe và có thể bị phạt tù dù chưa gây tai nạn. Còn nếu gây tai nạn giao thông là tội ác, bị bỏ tù là cầm chắc.

Đã có ý kiến cho rằng nên phục hồi chế độ phạt lao động công ích cho hành vi này. Mình hoàn toàn ủng hộ và nếu ở Hà Nội, mình kiến nghị cho đi vớt rác 3 ngày ở các sông Kim Ngưu, Tô Lịch…

Các bạn thấy ý tưởng đó thế nào?

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!