Ai là “tác giả” làm chậm lộ trình tăng lương?

(Dân trí) -Lương là bài toán nóng bỏng trong tất cả các nền kinh tế. Ở nước ta, dù đã có đến 10 lần điều chỉnh nhưng lương tối thiểu vẫn chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của người lao động.

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
 
 
 
Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tiếp tục đề nghị giãn lộ trình tăng lương trong 3 - 4 năm tới.
 
Lý do mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là bởi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm, hàng loạt các doanh nghiệp phá sản dẫn đến khoản thu ngân sách thâm hụt nặng nề, không thể kham nổi. Mặt khác, nếu tăng lương sẽ khiến thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản vì lợi nhuận thấp, không đủ trả lương và các khoản chi khác. Nhất là đối với các doanh nghiệp như dệt may, da giày, gia công… người lao động sẽ mất việc làm.
 
Tóm lại, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo Nghị quyết của Quốc hội là cần thiết, song điều chỉnh như thế nào, phương thức ra sao, trong khi trình độ tay nghề lao động thấp, năng suất lao động không cao?
 
Có một điều tất nhiên, đó là việc tăng lương phụ thuộc vào việc thu ngân sách. Nói cụ thể hơn, muốn có chi thì phải có thu, không có thu thì không lấy gì để chi. Không ai dám vay về để tiêu và cũng chẳng ai cho chúng ta vay để ăn tiêu cả.
 
Vấn đề là tại sao chúng ta không làm ra đủ để đảm bảo mức chi tối thiểu và quan trọng hơn, chúng ta đã chi những khoản tiền ngân sách như thế nào?
 
Về câu hỏi thứ nhất, kinh tế Việt Nam thời gian gần đây gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế tăng trưởng chậm nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động không có việc làm… Khuyết điểm đó không thể không nhắc đến sự điều hành của Chính phủ, như lời nhận lỗi thẳng thắn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ hợp thứ 4, Quốc hội 13: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.
 
Về câu hỏi thứ hai, ngoài nhận xét của Thủ tướng như “có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt” còn một nguyên nhân rất quan trọng, đó là bộ máy công chức quá cồng kềnh.
 
Cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra rằng có tới 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, có cũng được mà không có cũng được.
 
Như vậy có thể nói sự điều hành kém hiệu quả, tình trạng tham ô và lãng phí nghiêm trọng cộng với bộ máy công chức cồng kềnh là ba nguyên nhân chính làm chậm lộ trình tăng lương hiện nay mà sâu xa, là làm chậm sự phát triển kinh tế đất nước.
 
Muốn cho lộ trình tăng lương không bị ảnh hưởng, một mặt Chính phủ cần khắc phục những yếu kém trong khâu điều hành như nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở trên, đồng thời tăng cường chống tham nhũng, lãng phí và đặc biệt là cắt giảm tối đa những công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Họ chính là những “quả mìn” tàn phá nền kinh tế đất nước.
 
 
 
 
Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!