1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề nghị giãn lộ trình tăng lương tối thiểu

(Dân trí) - Đã có đến 10 lần điều chỉnh nhưng lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu trên. Hiện mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH vừa đề nghị giãn lộ trình tăng lương trong 3 - 4 năm tới.

Một trong những quy định được người lao động quan tâm trong Bộ luật Lao động 2012 là mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, tuy nhiên, trên thực tế dù đã có đến 10 lần điều chỉnh nhưng lương tối thiểu vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu trên. Theo tính toán của chuyên gia hiện mức lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tối thiểu của người lao động.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá đây là một thực tế không thể phủ nhận. Do đó, điều chỉnh lương để cải thiện cuộc sống người lao động luôn là vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Tuy nhiên, theo bà Chuyên, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2013 dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, nếu điều chỉnh ngay mức lương tối thiểu theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 thì nhiều doanh nghiệp sẽ khó khăn, thậm chí có khả năng phá sản như doanh nghiệp dệt may, da giày, gia công, khi đó người lao động sẽ mất việc làm.


Mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng 60% nhu cầu đời  sống của người lao động
Mức lương tối thiểu hiện chỉ đáp ứng 60% nhu cầu đời  sống của người lao động

Vì vậy, cần phải cân nhắc lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp, bảo đảm có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động. Ông Lê Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương cũng cho rằng, nếu điều chỉnh đúng lộ trình thì mức tăng lương năm 2014 - 2015 sẽ rất lớn và doanh nghiệp khó mà chịu được

Mới đây Bộ LĐ- TB&XH đã gửi tờ trình lên Chính phủ  đề nghị giãn lộ trình, kéo dài thời gian điều chỉnh lương tối thiểu thêm từ ba đến bốn năm nữa. Cụ thể, Bộ LĐ- TB&XH tính toán và đưa ra hai phương án điều chỉnh lộ trình tăng lương:  Phương án 1, lương tối thiểu sẽ đảm bảo nhu cầu tối thiểu vào năm 2017, theo đó, mức tăng bình quân chung trong các năm từ nay đến 2017 sẽ khoảng 16,5 - 20% mỗi năm. 

Còn nếu theo phương án 2, chỉ kéo dài lộ trình điều chỉnh lương đến năm 2016, thì mức tăng bình quân chung cũng sẽ cao hơn, khoảng từ 18 đến 23%/năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nếu điều kiện kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thuận lợi thì điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nhanh hơn lộ trình dự kiến.

Theo Bộ luật Lao động quy định, mức lương tối thiểu sẽ phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2013 và mức cụ thể ở vào khoảng từ 2,6 đến 3,4 triệu đồng/tháng, tuỳ từng vùng. 

Phạm Thanh