“Ai” đã "giết" các nhà khoa học hàng đầu?

(Dân trí) - Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đã gây nên sự kinh hoàng trong đời sống xã hội. Mỗi ngày, nó cướp đi sinh mạng của hàng chục người đồng nghĩa với việc hàng chục gia đình cha con, vợ chồng, anh em mất nhau…

 

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Một câu nói lặng người  trong một chương trình giao thông Chào buổi sáng: “Hôm nay như mọi ngày, sẽ lại có hàng chục  người ra khỏi căn nhà của mình rồi mãi mãi không trở về”.

Chỉ trong 3 ngày vừa qua, đã xảy ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 16 người chết và hàng chục người khác bị thương. Vụ thứ nhất vào ngày 7/6, xe khách lao vào vách núi tại Khánh Hòa làm 7 người chết, hàng chục người bị thương. Vụ thứ hai vào ngày 9/6, tại Quảng Nam, xe khách lao xuống vực làm 3 người chết, hàng chục hành khách bị thương. Vụ thứ ba cùng trong ngày 9/6 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, xe tải đông lạnh tông vào 2 xe máy làm 6 người chết tại chỗ…

Điều này cho thấy, chất lượng các biện pháp an toàn giao thông vẫn chỉ nằm trên giấy.   

Trong những nối đau mất mát vừa qua, có một tổn thất rất lớn đối với nền khảo cổ nước nhà. Đó là cái chết của TS. khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari (1965 - 2013). Ông qua đời ngày 9.6 sau khi gặp tai nạn tại khu vực cầu vượt nút giao thông Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5. Là Giảng viên Đại học Osaka Nhật Bản, TS Nishimura Masanari đã gắn bó với khảo cổ học Việt Nam suốt 20 năm nay. Ông và vợ ông là TS Norico cùng 2 con trai đã có nhiều năm gắn bó với Việt Nam, luôn coi Việt nam như là quê hương thứ 2 của mình. Ông là người phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng duy nhất từ trước đến nay có niên đại khoảng thế kỷ 1-3 sau Công nguyên, phát hiện khuôn đúc mũi tên đồng tại Luy Lâu. Những khuôn đúc này cho thấy trống đồng và tên (có niên đại thời kỳ An Dương Vương) được  đúc ra từ chính Việt Nam. Theo PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam: “TS Nishimura Masanari đã dành cả cuộc đời cho sự phát triển của khảo cổ học Việt Nam”. Sự ra đi của vị tiến sĩ đáng kính đã khiến nhiều người, đặc biệt là giới khảo cổ học bàng hoàng.  

Tiếc thay, TS Nishimura Masanari không phải là người đầu tiên bị tai nạn vì giao thông như “mê hồn trận” tại Việt Nam.

Trước ông, cuối năm 2006, chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng người Mỹ - Giáo sư Seymour Papert thuộc Học viện Công nghệ Thông tin Massachusetts (MIT) cũng bị tai nạn giao thông khi ông sang Hà Nội để dự một Hội nghị quốc tế về phương pháp dạy toán học bằng công nghệ thông tin tổ chức tại trường Đại học Bách khoa.

Chỉ cách 4 ngày sau, tai nạn giao thông lại cướp đi mạng sống của nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo, nguyên giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông từng giữ chức Viện trưởng sáng lập của Viện Cơ học, Giám đốc đầu tiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, ông còn là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tự nhiên.

Không chỉ là nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam, GS Nguyễn Văn Đạo còn là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Tiệp Khắc, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học châu Âu, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Ukraina.

Chính hung thần có tên là tai nạn giao thông đã gây thảm họa cho ba nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và thế giới.

Mỗi cái chết đều mang nặng nỗi đau nhưng cái chết của các nhà khoa học còn là tổn thất chung cho đất nước và cho nhân loại.

Xin được thắp nén nhang cho hương hồn những nạn nhân tai nạn giao thông những ngày qua.

Xin được thắp nén nhang cho Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo.

Xin được thắp nén nhang cho hương hồn Tiến sĩ Khảo cổ học Nishimura Masanari.

 

Bùi Hoàng Tám

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!