675 "rào cản" và cái giá phải trả bằng biết bao nước mắt

(Dân trí) - Câu hỏi đặt ra: Ai là “tác giả” của 675 “rào cản” này nếu không phải là chính Bộ Công Thương các nhiệm kỳ trước mà người chịu trách nhiệm chính khi đó không ai khác là ông Vũ Huy Hoàng?

m_dieu-kien-kinh-doanh
m_dieu-kien-kinh-doanh

Bộ Công Thương vừa có thêm một quyết định “chưa từng có trong lịch sử” bởi tính đột phá của nó. Đó là ngày 20/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT nhằm cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2017 – 2018.

Theo dự kiến, sẽ có 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, nhiều hơn 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.

"Đây được coi là đợt cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương với số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh bị cắt giảm lớn nhất từ trước đến nay", Bộ Công Thương cho biết.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Bộ Công Thương làm những việc tương tự như thế này. Tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4846 cắt giảm một loạt các thủ tục hành chính, cụ thể bãi bỏ 15, đơn giản hóa 108 trong tổng số 443 thủ tục, tương đương 27,8% tổng số thủ tục hành chính ở thời điểm đó.

Sau đó 2 tháng (12/2016), Bộ Công Thương tiếp tục cải cách công tác tổ chức, cắt giảm từ 35 đầu mối xuống còn 28 đầu mối bằng cách sáp nhập nhiều vụ, cục, viện vào với nhau.

Đây là quyết định khó khăn, không phải "qua một đêm mà được thực hiện qua một tiến trình kể từ đầu nhiệm kỳ, đồng bộ với nhiều giải pháp khác bao gồm tái cơ cấu bộ máy – Lời BT Trần Tuấn Anh" nhằm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp và nhân dân. Tại Hội nghị Tổng kết cuối năm 2016 của ngành, Bộ Công Thương đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi.

Ngày 22/9, làm việc với Bộ Công Thương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: "Thủ tướng chuyển lời khen Bộ Công Thương ba vấn đề lớn, trong đó đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc trực tiếp chỉ đạo sắp xếp bộ máy mới. Đây là bộ tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ, tinh giản, nhờ đó giảm năm đầu mối, là nỗ lực lớn của Bộ”,

Từ những việc làm trên đã cho kết quả, chưa bao giờ môi trường kinh doanh Việt Nam thông thoáng, thuận lợi và hiệu quả như thời gian gần đây.

Trở lại với việc xóa bỏ 675 thủ tục mới đây chính là xóa bỏ 675 rào cản kìm hãm sự phát triển không chỉ của ngành công thương mà là sự phát triển kinh tế đất nước.

Nhớ lại khi Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37, bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè thốt lên: “Mừng rơi nước mắt” vì May Nhà Bè sẽ không phải tiêu tốn 4.500 đô la mỗi tháng cho thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde nữa.

Thế mà giờ đây, khi liền một lúc cắt giảm 675 thủ tục nhiêu khê, sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp “mừng rơi nước mắt” và cũng cho thấy cái giá phải trả cho những thủ tục “hành dân” này đắt đến mức nào.

Song, câu hỏi đặt ra: Ai là “tác giả” của 675 “rào cản” này nếu không phải là chính Bộ Công Thương các nhiệm kỳ trước mà người chịu trách nhiệm chính khi đó không ai khác là ông Vũ Huy Hoàng?

Và nếu như vậy, ngoài những khuyết điểm được đánh giá là nghiêm trọng như thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ; thực hiện không đúng quy chế làm việc của Ban cán sự đảng, quy định của pháp luật trong việc thẩm định, đề nghị khen thưởng Huân chương lao động; buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra… ông Vũ Huy Hoàng còn một “khuyết điểm” vô cùng nghiêm trọng, đó là ban hành và duy trì 675 thủ tục làm cản trở doanh nghiệp, ảnh hưởng đến không nhỏ nền đến môi trường kinh doanh.

Vì thế, vụ kỉ luật ông Vũ Huy Hoàng có thể chưa phải là đã hết và nếu tiếp tục, có lẽ sẽ có chỗ dành cho “khuyết điểm vô cùng nghiêm trọng” này.

Bùi Hoàng Tám