30 phút, 10 năm và nỗi suy tư chung

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải gặp công dân Lê Văn Lâm trong vòng 30 phút. Chỉ 30 phút ngắn ngủi, nhưng Bí thư Hải giải quyết một vụ khiếu kiện đất đai kéo dài 10 năm.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Mảnh đất mà cha mẹ ông Lê Văn Lâm được ông bà để lại. Cha mẹ ông Lâm xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng mãi Quận 12 không cho, bắt chờ. Chờ cho đến khi mẹ ông Lâm qua đời, gọi là "chờ đến chết" vẫn không có mảnh giấy trên tay. Các vị công chức của Quận 12 như ông quan ngày xưa, thích thì xét, thích thì cho, không thích thì bắt chờ. Làm việc nước mà không căn cứ vào các quy định của pháp luật, tự cho mình cái quyền ban phát, tự tạo ra cơ chế xin - cho. Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải nhận định về sự kéo dài này rằng, đó là do tinh thần trách nhiệm của cán bộ chưa cao, chưa đặt mình vào vị trí người trong cuộc có bức xúc để giải quyết tới nơi, tới chốn.

Trước đó, tháng 3.2014, Bí thư Lê Thanh Hải đã có buổi tiếp dân và trong vòng 30 phút,đã giải quyết một vụ khiếu nại đất đai kéo dài 20 năm. Người khiếu nại là cụ bà Nhữ Thị Thơm, 89 tuổi. May mà cụ còn sống để hưởng được niềm hạnh phúc của một công dân được trả lại sự công bằng.

Cảm thông được điều này, nên sau khi giải quyết vụ khiếu kiện của ông Lê Văn Lâm, Bí thư Lê Thanh Hải chia sẻ: "Thành thật mà nói, dù hôm nay mình giải quyết được cho dân nhưng làm sao bù đắp được sự bức xúc, tổn thương của họ kéo dài gần 10 năm qua".

Không chỉ là sự tổn thương, sự bức xúc kéo dài, mà còn liên quan đến đời sống của công dân. Nếu như được giải quyết hồ sơ nhà đất sớm, các gia đình này có thể khai thác phục vụ mục đích kinh doanh. Họ đã bị mất đi quá nhiều cơ hội trong 10 năm, trong 20 năm. Sự mất mát đó ai đền bù cho họ? Họ chỉ được an ủi là đã gặp may vì đã có được cái mà họ đúng ra phải có từ lâu, dù phải mất cả chục năm chờ đợi và khiếu kiện.

Nhưng không phải ai cũng gặp may như ông Lê Văn Lâm và cụ Nhữ Thị Thơm. Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải cũng không có đủ thời gian để giải quyết hết đơn khiếu nại của người dân. Việc xử lý hồ sơ nhà đất là trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền. Chỉ khi các cơ quan này không hoàn thành trách nhiệm của mình thì mới phát sinh khiếu kiện.

Còn có bao nhiêu vụ kiện mà người dân ôm nỗi oan khuất nhưng không được giải quyết và cũng không có cơ hội gặp ông Bí thư Thành uỷ.

Vấn đề đặt ra là làm sao để không có những vụ khiếu kiện kéo dài hàng chục năm, không để cho người dân phải chịu bức xúc, tổn thương, thiệt thòi, chứ không phải là việc ông Bí thư Thành uỷ xử lý vụ việc nhanh chóng như một kỷ lục đáng ghi nhận.

Khen ngợi một ông Bí thư Thành uỷ là khen một cá nhân, nhưng trách là trách cả một hệ thống cấp dưới quan liêu, tắc trách.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!