Yêu cầu báo cáo Thủ tướng cơ chế đặc thù dự án Vành đai 4 TPHCM trước 3/9
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 3/9.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa công văn gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch UBND TPHCM về cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TPHCM.
Trước đó, ngày 12/8, UBND TPHCM có gửi Văn bản 4588 về việc đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho toàn bộ tuyến Vành đại 4 TPHCM.
Xét đề nghị của UBND TPHCM, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét các cơ chế, chính sách đặc thù do UBND TPHCM đề xuất tại văn bản nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 3/9 về nội dung, hình thức trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án đường Vành đai 4, bảo đảm đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, ngân sách nhà nước và quy định pháp luật liên quan.
Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 207km. Đoạn dự án do TPHCM thực hiện là 17,3km. Đoạn do tỉnh Long An thực hiện là 78,3km. Đoạn do tỉnh Bình Dương thực hiện là 47,46km. Đoạn do tỉnh Đồng Nai thực hiện là 45,54km; đoạn do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện là 18,23km.
Giai đoạn 1, toàn dự án sẽ được thực hiện giải phóng một lần theo quy hoạch được duyệt. Tuyến vành đai 4 TPHCM có quy mô 4 làn xe cao tốc, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, 23 nút giao và có đường song hành, đường dân sinh 2 bên theo nhu cầu giao thông từng địa phương.
Khái toán tổng mức đầu tư dự án vành đai 4 TPHCM hơn 128.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương gần 40.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 31.000 tỷ đồng và phần còn lại là vốn của các nhà đầu tư.
Báo cáo với Thủ tướng, UBND TPHCM cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố liên quan dự án. Các địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Trong đó, nguồn vốn Nhà nước tham gia dự án lớn, trong khi vốn ngân sách địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An) đang khó khăn, khó cân đối để tham gia. Dự án cũng cần một số cơ chế, chính sách đặc thù để các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.