Xuất hiện điều ngạc nhiên trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
(Dân trí) - Một điều ngạc nhiên, theo hé lộ từ chuyên gia, là thời gian qua vẫn tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường khách sạn, nghỉ dưỡng, dù chịu tác động lớn do dịch.
Trong bối cảnh các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) bất động sản đã ghi nhận sự trầm lắng nhất định trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Lê Phương Lan - Trưởng Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội đã có những chia sẻ về các diễn biến chính tại một số phân khúc.
"Một điều ngạc nhiên là trong thời gian qua, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng, dù đây là thị trường đã bị tác động khá lớn do dịch", bà Lan cho biết.
Đơn vị này cũng cho biết đã nhận được nhiều đề nghị tư vấn chuyển nhượng từ bên bán. Điều này cho thấy sự khó khăn và khốc liệt ở thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn là rất lớn.
Theo chuyên gia này, đại dịch mang đến cơ hội M&A các khu nghỉ dưỡng đã vận hành, với vị trí đắc địa, dòng tiền quá khứ tốt với giá giao dịch ở mức hợp lý mà trước kia rất khó có thể tìm được người bán. Cơ hội dành cho những nhà đầu tư sẵn sàng chờ sự bật lại của thị trường, cũng là cơ hội cho chủ đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng tái cơ cấu lại dòng tiền. Thời gian tới, thị trường có thể ghi nhận những vụ chuyển nhượng lớn trong lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng.
Thông tin bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư khá bất ngờ. Bởi thực tế làn sóng Covid-19 lần thứ 4 một lần nữa đánh mạnh vào ngành du lịch nội địa và tác động rất mạnh đến phân khúc khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng. Ngành này gần như "đóng băng".
Tại thời điểm quý II, khi dịch chưa bùng phát nghiêm trọng trở lại thì theo báo cáo quý II của Bộ Xây dựng, nguồn cung mới khách sạn 4-5 sao và khu du lịch nghỉ dưỡng trên cả nước vẫn rất hạn chế. Một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào tháng 5.
Theo Bộ Xây dựng, giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng trong quý 2 năm nay giảm khoảng 20-25% so với quý trước. Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu quý 2 khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên. Tuy nhiên sang nửa cuối quý II, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh.
Một số khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả trong thực tế.
Còn theo khảo sát của phóng viên Dân trí, thời gian qua, hàng loạt khách sạn, resort rao bán ở những địa điểm du lịch nổi tiếng. Từ các quận trung tâm TPHCM đến phố cổ Hà Nội, rồi Đà Lạt, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Ninh… Thậm chí trên trang Facebook của một tập đoàn sở hữu khối lượng khách sạn lớn mới đây cũng đã đăng thông tin chào bán gần 20 khách sạn có giá từ vài chục tỷ đến gần 1.000 tỷ đồng tại TPHCM.
Trong báo cáo mới công bố, DKRA Việt Nam cho biết thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong tháng 7 vẫn tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư rất phức tạp.
Trong đó với phân khúc condotel, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng. Không ít chủ đầu tư phải khóa giỏ hàng, điều chỉnh chính sách bán hàng cho phù hợp khiến nguồn cung mới khan hiếm.