Xuất hiện cuộc tháo chạy của nhà đầu tư nhỏ, lộ nơi giá nhà đất tăng sốc

(Dân trí) - Khu nào đất "sốt" nhất Hà Nội, hơn 3 năm giá tăng 2-3 lần?; Bất động sản Hà Nội: Thị trường yếu, ít giao dịch, có hiện tượng cắt lỗ... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Khu nào đất "sốt" nhất Hà Nội, hơn 3 năm giá tăng 2-3 lần?

Cách hồ Hoàn Kiếm 17 km nhưng các dự án ở khu vực Hoài Đức (Hà Nội) bỗng sôi động trở lại chỉ trong 2-3 năm trở lại đây. Liên tiếp các dự án được xây dựng đã đẩy giá đất vùng ngoại ô Thủ đô tăng chóng mặt.

Một người dân sinh sống tại đây cho biết gia đình chị chuyển về ở từ đầu năm 2018, thời điểm khu vực này vẫn còn heo hút người. "Lúc đó, căn nhà liền kề diện tích 80 m2 tôi mua chỉ có giá 3,6 tỷ đồng, nhiều căn chỉ có giá hơn 3 tỷ đồng. Biệt thự liền kề diện tích 120 m2 cũng chỉ có giá 4,2 tỷ đồng", chủ nhà nói và cho biết thêm hiện giờ, căn nhà của chị đã có người trả giá 10 tỷ đồng bao gồm cả hoàn thiện.

Tuy nhiên các môi giới cũng phải thừa nhận thời điểm này, đầu tư vào đây thì giá không còn tăng sốc như trước, chỉ nhích dần theo mật độ dân cư. Những người mua ở đây 10 năm trước đã phải trải qua nhiều thăng trầm, chịu lỗ nhiều năm mới bán được giá như bây giờ.

Xuất hiện cuộc tháo chạy của nhà đầu tư nhỏ, lộ nơi giá nhà đất tăng sốc - 1

Nhiều biệt thự vẫn bỏ hoang, người dân trồng rau trước cửa.

 Bất động sản Hà Nội: Thị trường yếu, ít giao dịch, có hiện tượng cắt lỗ

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam vừa công bố báo cáo tình hình thị trường bất động sản Việt Nam quý II và 6 tháng . Báo cáo cho thấy tại Hà Nội quý II năm nay, thấp tầng là dòng sản phẩm có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất với 49,8%, trong khi căn hộ cao cấp có tỷ lệ hấp thụ thấp, chỉ đạt 9,2%. 

Tại phân khúc căn hộ, sau biến động sốt đất mạnh và dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhìn chung, thị trường Hà Nội quý II yếu, ít giao dịch. Các chủ đầu tư vì vậy mà hạn chế chào bán để thăm dò thị trường, giá cũng không có hiện tượng điều chỉnh. Các dự án thuộc phân khúc cao cấp đã có động thái giảm giá thông qua các chương trình khuyến mãi, tặng quà.

"Ở thị trường thứ cấp, có hiện tượng giảm giá bán đến mức lỗ để thu hồi vốn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hiện tượng này phần lớn xuất hiện ở các dự án cao cấp", Hội môi giới cho biết. Các sản phẩm căn hộ chủ yếu nằm ở các quận như: Hoàng Mai, Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy...

Chuyện đại gia tai tiếng: Lái ôtô đi ăn cắp, trộm đồ khi địa ốc "đóng băng"

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 13/7, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã bắt giữ các đối tượng liên quan đến hàng loạt vụ trộm cây cảnh.

Xuất hiện cuộc tháo chạy của nhà đầu tư nhỏ, lộ nơi giá nhà đất tăng sốc - 2

Hồ Xuân Lộc - giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản cầm đầu nhóm trộm cây cảnh liên huyện.

Đáng chú ý, theo lời khai ban đầu của Hồ Xuân Lộc - đối tượng được xác định chủ mưu đồng thời là một giám đốc công ty địa ốc cho biết, trong thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh bất động sản khó khăn.

Do việc kinh doanh bị ngưng trệ, Lộc chuyển đến căn biệt thự mới mua trên địa bàn huyện Nghi Lộc sinh sống và đi trộm cây cảnh về... trưng bày cho đẹp.

Thông tin một giám đốc công ty bất động sản đi trộm cây cảnh ngay lập tức thu hút sự chú ý của dư luận . Trước đó, nhiều "đại gia" địa ốc cũng dính nhiều tai tiếng liên quan đến việc trộm cắp, đánh bạc hay sàm sỡ phụ nữ.

3 trường hợp chung cư cũ buộc phải phá dỡ để xây lại

Nghị định 69 đã quy định rõ 3 trường hợp nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để xây dựng lại hoặc xây dựng công trình khác theo quy hoạch quy định tại Nghị định này.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất, nhà chung cư phải phá dỡ khẩn cấp do sự cố, thiên tai, cháy nổ theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, nhà chung cư hết niên hạn sử dụng hoặc chưa hết niên hạn sử dụng theo quy định của pháp luật nhưng có kết luận kiểm định của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh...

Thứ ba, nhà chung cư bị hư hỏng một trong các cấu kiện kết cấu chính của công trình, gồm móng, cột, tường, dầm, xà không đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường mà chưa thuộc diện phải phá dỡ theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng nằm trong khu vực có nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ theo quy định khoản 2 Điều 110 của Luật Nhà ở.

Xuất hiện cuộc tháo chạy của nhà đầu tư nhỏ, lộ nơi giá nhà đất tăng sốc - 3

Nhiều khu tập thể cũ gây mối lo lắng về an toàn cho người dân.

 Điểm danh nơi giá nhà tăng gần 2 lần sau 2 năm

Theo số liệu vừa công bố của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, quý II năm nay TPHCM có 3 dự án với 2.002 sản phẩm được Sở Xây dựng TPHCM cấp phép đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản. Toàn bộ sản phẩm này đã chào hàng từ trước và đã được khách hàng đăng ký, đặt mua.

Theo nhận định của lãnh đạo Hội, giá bán căn hộ tại TPHCM biến động rất mạnh, khoảng giãn lớn nên rất khó xác định mức giá bình quân. Nhà ở bình dân cũng mất hẳn trên thị trường thành phố.

Giá bán biến động mạnh nhất ở khu vực TP Thủ Đức, Quận 7 và một số quận trung tâm. Cụ thể, nếu so với năm 2019 thì giá bán căn hộ tại một số vùng thuộc TP Thủ Đức đã bị đẩy lên khoảng gần 2 lần (năm 2019 cao nhất khoảng 35 triệu đồng/m2, hiện nay thấp nhất 40 triệu đồng/m2 và đạt trung bình khoảng 60 triệu đồng/m2).

Giá bình quân của số căn hộ cao cấp được chào bán trong quý II năm nay là con số kỷ lục từ trước đến nay ở TPHCM và cả Việt Nam (khoảng 228 triệu đồng/m2). Điển hình là hàng nghìn căn hộ tại dự án ở quận 1 có giá từ 366 - 500 triệu đồng/m2.