1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bộ Xây dựng: Có dự án bất động sản chưa đủ pháp lý vẫn tung ra thị trường

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), vẫn còn xuất hiện tình trạng dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý tung ra thị trường, gây nhiều rủi ro.

Tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi

Tại Diễn đàn "Bất động sản 2021: Động lực mới cho thị trường" do VCCI và Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều nay (16/7), ông Nguyễn Minh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đã có những phát biểu chú ý liên quan đến thị trường bất động sản thời gian qua.

Theo ông Khởi, hoạt động bất động sản luôn luôn có một vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Doanh thu của bất động sản chiếm khoảng hơn 2% và lợi nhuận chiếm khoảng 7% của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy tới 35 ngành nghề lĩnh vực của nền kinh tế.

Chính vì vậy, năm 2020, Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm, có những cơ chế tháo gỡ cho thị trường bất động sản thông qua việc ban hành một loạt các cơ chế chính sách mới.

Bộ Xây dựng: Có dự án bất động sản chưa đủ pháp lý vẫn tung ra thị trường - 1

Ông Nguyễn Minh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp).

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, sau khi Nhà nước ban hành một số chính sách đã giải quyết được một số các vấn đề.

Cụ thể, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như trong thị trường bất động sản như: chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, các hoạt động thẩm định thiết kế, thẩm định dự án. Bên cạnh đó, các quy định cũng đơn giản hơn, thủ tục hành chính đơn giản hơn và rút gọn hơn.

Thứ hai, chính quyền địa phương đã và đang rất quan tâm đến việc đầu tư kinh doanh bất động sản như đã hoàn thành rà soát để các dự án bắt đầu triển khai.

Về phía các doanh nghiệp, ông Khởi cho biết đã có các điều chỉnh về chiến lược kinh doanh, xác định các cơ cấu sản phẩm bất động sản cho phù hợp với nhu cầu mới của người dân và thị trường. Trong đó, xác định phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình đại dịch mới và những biến động của nền kinh tế trong nước, cũng như thế giới.

Tuy nhiên, ông Khởi cho biết, thời gian vừa qua vẫn đang xảy ra một số tồn tại, một số thực tế cần tiếp tục nghiên cứu, lưu ý.

Thứ nhất, mặc dù hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn những quy định cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để hỗ trợ thị trường.

Thứ hai, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp với nguồn cung trong thị trường thời gian qua. Đặc biệt là chung cư cao cấp trở nên nhiều hơn. Mặc dù đầu vào không có nhiều thay đổi, nhưng bất động sản trung bình, giá rẻ phục vụ cho đại đa số tầng lớp có nhu cầu chưa phát triển. Giá bất động sản đâu đó đã thiết lập trên một mặt bằng mới, mặc dù có đại dịch Covid-19 xảy ra.

Thứ ba, vẫn còn xuất hiện một số tình trạng các dự án bất động sản chưa đủ cơ sở pháp lý vẫn tung ra thị trường, gây ra các rủi ro, các hoạt động kinh doanh không bình thường cho thị trường hoặc có biểu hiện lừa đảo trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Thứ tư, về tính minh bạch của thị trường. Mặc dù đã có tháo gỡ, yêu cầu cung cấp công khai minh bạch thông tin, tuy nhiên tính minh bạch từ các hoạt động đầu tư tạo lập, đến các giao dịch mua bán vẫn còn có những cái cần phải tiếp tục nghiên cứu, để quy định chặt chẽ bảo đảm công khai hơn, kịp thời, chính xác hơn.

Thứ năm là tình trạng đầu cơ vẫn còn diễn ra phổ biến ở các nơi, nhất là các đô thị lớn, các khu vực có chủ trương tách nhập, nâng cấp, xuất hiện các tình trạng thổi giá cục bộ.

Thứ sáu, về giao dịch bất động sản ở thị trường sơ cấp vẫn khó kiểm soát, có những rủi ro không đáng có trong quá trình hoạt động, đặc biệt là nguồn cung cấp ra thị trường thông qua các đơn vị môi giới, các sàn giao dịch bất động sản.

Thứ bảy, nguồn lực tài chính vẫn còn nhiều điều phải tiếp tục nghiên cứu. Chúng ta đã có quy định yêu cầu cung cấp tín dụng, các vấn đề cơ chế tài chính; tuy nhiên lại xuất hiện một số vấn đề cần phải nghiên cứu tiếp, để bảo đảm làm sao tránh thị trường đi vào bong bóng bất động sản.

Thị trường còn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, đây là những vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý Nhà nước khi xuất hiện những diễn biến về đại dịch, những biến động mới trong phát triển kinh tế của đất nước.

Giai đoạn 2021-2025 là một nhiệm kỳ mới của đất nước, của Quốc hội và các cấp chính quyền. Vậy chắc chắn những chính sách, quyết sách mới sẽ có và những chính sách này ít nhiều sẽ tác động đến thị trường bất động sản, vấn đề là thời gian, thời điểm và mức độ tác động như thế nào.

Cũng theo thông tin từ lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, từ nay đến cuối năm, Bộ Xây dựng sẽ có một loạt những chính sách mới ban hành.

Đánh giá của thị trường trong thời gian tới, ông Khởi cho rằng thị trường bất động sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn trước tác động của dịch bệnh.

"Dù bất động sản không phải là ngành chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch nhưng đại dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động đầu tư từ các thị trường khác tác động vào. Đơn cử như vừa qua giá vật liệu xây dựng tăng cao, từ đó, làm giá thành đầu tư bất động sản tăng theo", ông Khởi nói.

Thứ hai theo ông Khởi, các cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, mặc dù các hoạt động đầu tư liên quan đến xây dựng đã được tháo gỡ, nên các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn.

Thứ ba, các chính quyền địa phương là những chính quyền mới, đang triển khai thực hiện các chính sách mới tại địa phương, nên chưa có chính sách mạnh tác động đến thị trường.

Tiếp đến theo ông Khởi, sự thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động đến thị trường bất động sản và khó khăn có thể sẽ kéo dài ít nhất là đến hết năm 2022.