Vụ thu hồi sổ đỏ loạt chung cư: Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định!

(Dân trí) - Việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) tại một loạt chung cư ở Hà Nội là một trong những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Vụ thu hồi sổ đỏ loạt chung cư: Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định! - 1
Nhiều người dân tại các chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Trì bất ngờ bị thu hồi và huỷ sổ đỏ do chủ đầu tư vi phạm xây dựng.

Nhiều sai sót trong vụ cấp, thu hồi sổ đỏ ở một loạt chung cư Hà Nội

Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) tại một loạt chung cư mới đây không đúng quy trình thủ tục.

Theo ông Võ, khi thu hồi sổ cần phải thông báo cho người dân là chủ hộ được biết, đồng thời yêu cầu người dân trong thời gian nhất định (ngày/tháng/năm) phải mang sổ đến nộp.

“Trong trường hợp người dân không nộp lại sổ theo đúng thời gian quy định thì lúc đó mới công khai các số hiệu, các giấy chứng nhận thuộc diện thu hồi nhưng người dân không đem nộp”, ông Võ nói.

Vụ thu hồi hàng trăm sổ đỏ tại nhiều chung cư: Đề xuất xem xét việc cấp lại

Liên quan đến quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) đối với các căn hộ nằm trong phần sai phạm tại 3 dự án chung cư do Công ty Bemes làm chủ đầu tư, chiều ngày 18/7, một lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cho biết cơ quan này đã cho tạm dừng việc cấp sổ đỏ với các dự án có vi phạm để thanh kiểm tra từng trường hợp cụ thể.

Cũng theo đại diện Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, trong thời gian tới, các tổ kiểm tra liên ngành này sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án phát triển nhà ở để kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý khắc phục vi phạm đối với chủ đầu tư.

Đồng thời, sở này cũng đề xuất với UBND TP Hà Nội các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm xem xét cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư. Kể cả các trường hợp đã thu hồi giấy chứng nhận đã cấp theo quy định.

Hà Nội thu hồi “sổ đỏ” ở loạt chung cư: Cách làm không thoả đáng, mỗi Việt Nam làm vậy!

Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã ra quyết định thu hồi hàng trăm “sổ đỏ” đã cấp cho các hộ dân tại một số dự án nhà ở. Trong đó, có dự án bị thu hồi tới hơn 300 sổ.

Cơ quan này cho biết lý do thu hồi và huỷ sổ là có sai sót, không đúng quy định trong quá trình thẩm định hồ sơ và cấp. Cụ thể do chủ đầu tư nâng tầng, chuyển đổi công năng.

Vụ thu hồi sổ đỏ loạt chung cư: Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định! - 2
GS. Đặng Hùng Võ phát biểu tại toạ đàm “Phát triển các khu đô thị: Thực trạng và Xu hướng mới” diễn ra chiều 18/7.

Bình luận vấn đề trên tại toạ đàm “Phát triển các khu đô thị: Thực trạng và Xu hướng mới”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc thu hồi này không trái với pháp luật. Bởi theo quy định, cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ) khi phát hiện sai sót, vi phạm.

Tuy nhiên ông Võ cho rằng “đây là quy định lạc hậu. Các nước khác trên thế giới quy định cấp sai thì phải chịu. Mỗi Việt Nam quy định thu hồi lại được”.

Cũng theo vị này, việc thu hồi “sổ đỏ” sẽ tác động tới vài nghìn người dân, hệ luỵ rất lớn. Bởi khi bị thu hồi sổ, điều này đồng nghĩa với việc hạn chế giao dịch, thế chấp. Người dân lo mất tài sản cả đời gom góp được.

“Cần làm rõ trách nhiệm của những ký quyết định cấp sổ tại các dự án này và cả những người chuẩn bị hồ sơ kí, ai sai mức nào thì phải xem xét cụ thể”, ông Võ kiến nghị.

Vụ cả ngàn người vây công ty đòi sổ đỏ: Hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư

Thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa có kết luận thanh tra việc thực hiện các dự án của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt (nay là Công ty CP Bách Đạt An) làm chủ đầu tư ở Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) từ năm 2010 - 2018. Kết luận thanh tra các dự án đầu tư do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư có nhiều vi phạm.

Theo kết luận Thanh tra, Công ty CP Bách Đạt An được chuyển nhiệm vụ chủ đầu tư 16 dự án. Trong số 14 dự án thanh tra, có 2 dự án khai thác quỹ đất để thanh toán chi phí đầu tư xây dựng dự án đường nối ĐT 603A với tuyến ĐT 607 qua thị xã Điện Bàn theo hình thức hợp đồng BT, gồm dự án Sentosa Riverside và khu dân cư An Cư 1. Ngoài ra có 12 dự án đầu tư khai thác quỹ đất thương mại cũng bị thanh tra.

Kiểm soát "bán nhà hai giá"

Trước hết phải nói rằng tình trạng kê khai giá mua bán nhà đất thấp hơn giá trị mua bán thật là việc khá phổ biến và đã diễn ra trong thời gian dài. Nguyên nhân chính của việc làm này là do cơ chế kiểm soát của chúng ta chưa chặt chẽ, giá đất Nhà nước quy định chưa sát với thực tế.

Khi giao dịch mua bán, người mua bán thường giao dịch mức giá trên hoặc bằng mức giá Nhà nước quy định là được, có nghĩa không vi phạm. Trong trường hợp mức giá giao dịch cao hơn nhiều mức giá Nhà nước quy định, nhưng giữa người mua và người bán có sự thỏa thuận thì các cơ quan chức năng như cơ quan thuế cũng khó mà phát hiện.

Đây chính là lỗ hổng của luật pháp từ việc quy định mức giá phi thực tế, nên người dân bám vào đó làm cơ sở để trốn thuế là việc đương nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho người dân ở trường hợp này.

Vụ thu hồi sổ đỏ loạt chung cư: Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định! - 3
Theo bảng giá môi giới đưa ra, tất cả các căn hộ dự án Dreamland Bonanza đều có 2 giá bán. Số tiền chênh giữa tổng giá trị căn hộ và Hợp đồng mua bán từ 400 đến gần 1 tỷ đồng.

Vạch loạt sai phạm tại dự án “hô biến” nhà thu nhập thấp thành biệt thự

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) tại huyện Mê Linh, Hà Nội do Công ty cổ phần Tập đoàn Videc làm chủ đầu tư.

Theo UBND TP Hà Nội, quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư chủ yếu diễn ra khi huyện Mê Linh thuộc Vĩnh Phúc. Khi thanh tra, hồ sơ dự án không còn lưu giữ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Hồ sơ lưu tại chủ đầu tư và các sở thuộc UBND TP Hà Nội nhận bàn giao từ Vĩnh Phúc không đầy đủ.

Tuy nhiên qua xem xét hồ sơ, đoàn thanh tra liên ngành phát hiện sau khi huyện Mê Linh hợp nhất về Hà Nội, quá trình thực hiện dự án còn hạn chế.

Vụ thu hồi sổ đỏ loạt chung cư: Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định! - 4
The Diamond Park do Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC (tên gọi trước đây là Công ty Cổ phần Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam) làm chủ đầu tư được UBND huyện Mê Linh phê duyệt quy hoạch từ năm 2008.

4 bộ cùng Thanh tra Chính phủ cho ý kiến về sai phạm ở dự án The Diamond Park

Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, các Bộ gồm: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cùng UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc xin ý kiến đối với kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp The Diamond Park tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ đề nghị Thanh tra Chính phủ, các Bộ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc có ý kiến bằng văn bản về nội dung báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội kết quả thanh tra toàn diện dự án The Diamond Park và gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, UBND TP. Hà Nội mới đây đã có báo cáo Thủ tướng kết luận Thanh tra toàn diện Dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp - The Diamond Park tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

Phải báo cáo khi mua bất động sản trên 300 triệu đồng bằng tiền mặt: Khó khả thi

Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn gửi Sở Xây dựng các tỉnh và thành phố thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo đó, Bộ yêu cầu các sở cần có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản đang hoạt động tại địa phương thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định.

Vụ thu hồi sổ đỏ loạt chung cư: Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định! - 5
Hình minh hoạ.

Cần lập và gửi báo cáo các giao dịch đáng ngờ, báo cáo các giao dịch tiền mặt có giá trị lớn (từ 300 triệu đồng trở lên) về Cục Quản lí nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng và Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EZ cho rằng, văn hoá giao dịch ở Việt Nam chủ yếu vẫn sử dùng tiền mặt. Tuy nhiên các giao dịch bất động sản bằng tiền mặt trên 300 triệu đồng là việc khó khả thi.

Căn hộ Condotel tiếp tục ế ẩm, khó tìm lối thoát trên thị trường bất động sản

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam giá tổng nguồn cung ra thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng Condotel cho đến nay trong năm 2019 là 11,855 sản phẩm tuy nhiên lượng giao dịch chỉ đạt 2,967 sản phẩm tương đương với 25%.

Trong quý II/2019 ghi nhận có hơn 5.000 sản phẩm mới đưa ra thị trường nhưng chỉ giao dịch thành công gần 1.400 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ thấp, chỉ đạt hơn 27%.

Theo nhận định, đánh giá nguồn cung mới sản phẩm Condotel trong 6 tháng đầu năm tương đối thấp, sản phẩm chào bán chủ yếu từ các dự án năm 2018 được tiếp tục chào bán. Tính hấp thụ chỉ đạt 25%

Bỏ tiền tỷ mua chung cư, mòn mỏi chờ sổ đỏ bao năm vẫn "bật vô âm tín"

Vụ thu hồi sổ đỏ loạt chung cư: Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định! - 6
Cư dân Star City mòn mỏi chờ sổ đỏ.

Không ít chung cư sau nhiều năm dọn về sinh sống, người dân vẫn trong tình trạng mòn mỏi chờ được cấp giấy chứng nhận sở hữu cho căn hộ (sổ đỏ).

Theo một báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 108 dự án có tranh chấp, thì có 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan tới việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp “sổ đỏ” cho cư dân.

Tại dự án Star City Lê Văn Lương, cả trăm cư dân đã nhiều lần xuống đường để phản đối chủ đầu tư trong việc không thực hiện đầy đủ các cam kết. Trong đó, việc mòn mỏi chờ sổ đỏ là bức xúc lớn nhất khi bỏ ra vài tỷ đồng mua nhà tại dự án này.

Chị Cẩm Tú, một cư dân ở Star City cho biết, chị cùng nhiều hộ dân khác ở đây đã hoàn thành mọi nghĩa vụ, vào nhận nhà cũng được 3 năm nhưng đến nay vẫn trong tình trạng ngóng chờ từng ngày được cấp sổ.

“Đất vàng” gần Bờ Hồ siêu đắt đỏ, vì sao doanh nghiệp “ôm” vào rồi bỏ hoang?

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, các dự án chậm triển khai ở Hàng Bài, Lý Thường Kiệt, chủ yếu là dự án khách sạn, thương mại.

“Dự án chưa triển khai thực hiện do vướng mắc về quy hoạch 4 quận nội thành trung tâm Thành phố”, UBND TP cho biết.

Vụ thu hồi sổ đỏ loạt chung cư: Cần làm rõ trách nhiệm người ra quyết định! - 7
“Đất vàng” Hoàn Kiếm siêu đắt đỏ, doanh nghiệp “ôm” vào rồi quây tôn bỏ không.

Cụ thể, đối với Dự án xây dựng công trình hỗn hợp, thương mại, văn phòng và nhà ở tại số 22-24 phố Hàng Bài và số 25-27 phố Hai Bà Trưng, chủ đầu tư Công ty Cổ phần thời đại mới T&T.

Tại dự án này, UBND Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010, cấp điều chỉnh lần 1 năm 2015 cho Công ty cổ phần thời đại mới T&T để thực hiện Dự án trên với nội dung chính: Diện tích sử dụng đất hơn 4.072m2.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm