Vốn đổ vào bất động sản đang teo lại, thị trường khó khăn thực sự?
(Dân trí) - Tốc độ tăng dư nợ tín dụng có xu hướng giảm. Nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng sụt giảm mạnh trong quý 1/2020.
Tốc độ tăng dư nợ tín dụng có xu hướng giảm
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về tình hình thị trường bất động sản trong quý 1/2020.
Báo cáo cho thấy, thị trường bất động sản đang vấp phải những khó khăn lớn từ đại dịch Covid-19.
Qua tổng hợp cho thấy lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý 1/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính đến thời điểm tháng 4/2020, các bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đều ngừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hầu như không có nguồn thu.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, nguồn cung nhà ở quý 1/2020 hạn chế, nhiều địa phương trên cả nước có xu hướng nguồn cung nhà ở giảm so với quý trước và cùng kỳ năm 2019. Trong dài hạn, nguồn cung về nhà ở có xu hướng suy giảm.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tốc độ tăng dư nợ tín dụng có xu hướng giảm.
Cụ thể, tính đến 31/12/2019 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 521.822 tỷ đồng, tăng 12,82% so với năm 2018.
Tính đến tháng 2/2020, dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 531.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng có xu hướng giảm. Nếu năm 2018 tăng 6%, năm 2019 chỉ tăng 4%, quý 1/2020 tăng 1,76%.
Tỷ trọng dư nợ bất động sản đối với toàn ngành cũng giảm (năm 2018 chiếm 6,93%, năm 2019 chỉ chiếm 6,37%, quý 1/2020 chiếm 6,47%).
Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3% (trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng trong bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019.
Vốn ngoại vào FDI giảm
Theo Bộ Xây dựng, cơ cấu dư nợ bất động sản cũng có thay đổi theo từng giai đoạn: cho vay đầu tư các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà chiếm tỷ lệ 39%; các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê chiếm tỷ lệ 9%; các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ 4%; các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm tỷ lệ 4%; các dự án nhà hàng, khách sạn chiếm tỷ lệ 9%; cho vay mua quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ 8%; cho bất động sản khác chiếm 28%.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, đối với nguồn vốn FDI thì trong nhiều năm trở lại, lĩnh vực bất động sản luôn đứng thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI (chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo).
Trong quý 1/2020, nguồn vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ có 264 triệu USD vốn đăng ký, chiếm 3,08% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 4 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.
Trong khi đó, năm 2019 vốn đăng ký là 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng nguồn vốn FDI, đứng vị trí thứ 2 về thu hút nguồn vốn đầu tư FDI.
Mặc dù có những khó khăn song trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường, Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện của khủng hoảng trầm lắng, “đóng băng” hay phát triển nóng.
Nguyễn Mạnh