TS Trần Du Lịch chỉ ra "căn bệnh phải điều trị" của thị trường bất động sản
(Dân trí) - Ông Lịch cho rằng thị trường cần được giải quyết vấn đề cung và cầu vì sản phẩm đầu cơ (phục vụ tầng lớp cấp cao) chiếm áp đảo, còn sản phẩm cho người nhu cầu thực thì quá ít.
Tại tọa đàm Triển vọng thị trường bất động sản do Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tổ chức, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - đưa ra nhiều số liệu đáng chú ý.
Trong 9 tháng năm nay, TPHCM có 15 dự án nhà ở thương mại được xác nhận đủ điều kiện bán, cho thuê mua sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai với 15.020 căn được đưa ra thị trường, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu ở phân khúc cao cấp (chiếm 70%) và trung cấp, không có nhà ở bình dân.
Cũng trong 9 tháng, hoạt động kinh doanh bất động sản của thành phố tăng trưởng âm 8,71% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm 11,58% và quý I tăng trưởng âm đến 16,2%.
Cùng với đó, doanh thu hoạt động kinh doanh bất động sản 9 tháng giảm 4,7% so với cùng kỳ. Trước đó, 6 tháng đầu năm giảm 8,3% và 4 tháng đầu năm giảm đến 14,6%.
Ông Quân nhận định thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã dần hồi phục, quý sau tăng trưởng ít âm hơn quý trước và đã góp phần thúc đẩy ngành xây dựng khởi sắc.
Nguồn cung nhà ở thương mại cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vốn đầu tư trong nước và nước ngoài rót vào hoạt động kinh doanh bất động sản còn hạn chế, nguồn cung nhà ở phân khúc bình dân không có sản phẩm đưa ra thị trường.
Ông Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 - đồng tình với nhận định của ông Trần Hoàng Quân, nêu thị trường bất động sản tăng trưởng từ âm nhiều đến âm ít, chưa dương nổi, phục hồi chậm.
Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam vẫn cải thiện từng tháng từng quý nhưng năm nay khó có tăng trưởng cao, để đạt GDP 5% thì quý IV phải trên 7%. Trong bối cảnh đó, ngành bất động sản còn khó hơn vì liên quan thị trường tài chính, tín dụng.
Ông Lịch chỉ ra 2 điểm nghẽn của bất động sản là thể chế và hấp thụ vốn, trong đó điểm nghẽn hấp thụ vốn là đại sự. Từ quý IV/2022, bất động sản đã khó khăn về nguồn tiền, lãi suất cao. Cả năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ giá tiền đồng, giảm lãi suất. Xu hướng lãi suất sẽ tích cực từ nay qua năm sau gắn liền ổn định hệ thống tín dụng.
Ông Lịch cho rằng năm 2024, kinh tế chưa hi vọng khởi sắc mạnh mẽ nhưng chắc chắn tốt hơn năm 2023. Thị trường bất động sản không thể đổ vỡ, nhưng để thuận lợi như trước năm 2019 thì chưa. Thị trường có thể chuyển từ âm ít sang dương ít vào quý IV, khởi sắc hơn từ quý II/2024.
Thị trường bất động sản cũng cần giải quyết vấn đề cung và cầu vì sản phẩm đầu cơ (phục vụ tầng lớp cấp cao) chiếm áp đảo, còn sản phẩm cho người nhu cầu thực thì quá ít. "Đây là căn bệnh phải điều trị. Không phải ngẫu nhiên Chính phủ mạnh mẽ phát triển nhà ở xã hội, mà là để cung cầu gặp nhau, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng", ông Lịch nói.
Cũng liên quan tới sự lệch pha về sản phẩm trên thị trường (cao cấp - trung cấp áp đảo, nhà ở xã hội không có), ông Trần Hoàng Quân nói TPHCM hiện có 33 dự án có quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội. Nếu quỹ đất này được triển khai xây dựng, TPHCM có trên 70.000 căn nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trong 33 dự án này, 50% chưa giải tỏa xong, một số dự án gặp khó khăn về tính tiền làm hạ tầng, khó khăn về xác nhận đối tượng đủ điều kiện mua nhà ở xã hội...
Trong chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội do Chính phủ đặt ra, TPHCM được giao 69.000 căn nhưng đặt mục tiêu 92.000 căn đến năm 2030. Hiện nay, TPHCM có 88 dự án nhà ở xã hội độc lập hoặc xen cài trong các dự án thương mại.
Thời gian tới, nếu Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được thông qua, có hướng dẫn tháo gỡ được vướng mắc thì khả năng thành phố sẽ cân bằng được 3 phân khúc cao cấp - trung cấp - bình dân, ông Quân nói.