1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

TS Cấn Văn Lực: Công ty địa ốc nên kiến nghị đúng và trúng, không kêu ca

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Ông Cấn Văn Lực cho rằng doanh nghiệp cũng phải quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận giảm giá bán, đa dạng hóa nguồn vốn.

Thị trường bất động sản có hồi phục

Chia sẻ tại sự kiện sáng 14/12, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - đánh giá thị trường bất động sản bắt đầu có các tín hiệu tích cực hơn so với năm ngoái và đầu năm nay.

Dòng vốn cho các thị trường đầu tư đang có những chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm Thị trường chứng khoán đang phục hồi, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt về mức thấp như giai đoạn trước Covid-19, tỷ lệ lạm phát đang được kiểm soát.

Ông Lực đánh giá Việt Nam là một trong những nước đảo chiều chính sách tiền tệ sớm, lãi suất ít nhất đi ngang hoặc giảm nhẹ ở cả huy động và cho vay trong thời gian tới. Bức tranh kinh tế vĩ mô cũng có nhiều tín hiệu tích cực, tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt 5-5,2% và lạm phát giảm còn 3-3,5%, trong khi đầu năm là 5%.

Với bất động sản, chuyên gia đánh giá vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, sắp tới có thể là Luật Đất đai sửa đổi. Điều này chưa từng có khi cả 3 luật quan trọng liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua gần như cùng 1 thời điểm, tạo chuyển biến lớn.

TS Cấn Văn Lực: Công ty địa ốc nên kiến nghị đúng và trúng, không kêu ca - 1

TS Cấn Văn Lực nhận định thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu tích cực (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tuy nhiên, ông Lực cho rằng thị trường vẫn còn những "điểm tối", như tỷ lệ nợ xấu bất động sản tăng từ mức 1,72% cuối năm ngoái lên mức 2,89% tính đến tháng 9/2023, song vẫn ở dưới mức 3% trong tầm kiểm soát.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi nhanh, trong năm 2024 sẽ có khoảng 23.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức đỉnh điểm đáo hạn của tháng 9/2023.

Ông Lực cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần tiếp tục đưa ra các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc đúng và trúng, kèm giải pháp, không kêu ca. Doanh nghiệp cũng phải quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận giảm giá bán, đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, phân khúc để giảm bớt rủi ro.

Lộ trình hồi phục của thị trường ra sao?

Tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023 đã xuất hiện các động thái tích cực và tương đồng với thời điểm đảo chiều của chu kỳ trước .

Trong chu kỳ 2008-2012, tồn kho bất động sản tăng liên tiếp. Tới năm 2013, tín hiệu đảo chiều thị trường xuất hiện khi tín dụng được nới lỏng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và Luật Đất đai sửa đổi được thông qua để hỗ trợ cho thị trường.

Ở thời điểm hiện tại, về mặt lãi suất, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và 4 lần hạ lãi suất điều hành. Nhiều ngân hàng đã giảm 3-5% lãi suất huy động so với đầu năm .

Về mặt tăng trưởng tín dụng, hạn mức tăng trưởng tín dụng 2023 là 14-15% so với 14% của năm trước. Tuy nhiên, tính đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua và có hiệu lực từ đầu năm 2025. Thị trường bất động sản cũng hưởng lợi từ các động thái của Chính phủ, nhiều chính sách tích cực được ban hành...

Vì vậy, ông Quốc Anh đưa ra dự báo điểm đảo chiều của thị trường bất động sản có thể xuất hiện từ quý II - quý IV/2024. Thị trường sau đó sẽ bước vào chu kỳ mới và trải qua 4 giai đoạn: thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định.

Trong đó, giai đoạn khởi sắc có thể bắt đầu từ quý II/2025 đến quý IV/2025 và từ sau quý I/2026, ngành bất động sản có thể sẽ dần tiến vào giai đoạn ổn định.