Trung tâm Hà Nội và không gian ngầm

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Nội đang đứng trước nhiều áp lực như quá tải dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Một trong những giải pháp cấp bách là phải phát triển không gian xây dựng ngầm, khai thác và quản lý nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả.

Việc ngầm hóa hạ tầng giao thông là giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông mà nhiều nước phát triển đã áp dụng thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Giai đoạn gần đây khi tài nguyên đất đai cạn kiệt, hạ ngầm là một xu thế mà nhiều nước trên thế giới áp dụng để tạo ra những đô thị phát triển hiện đại, bền vững.

Trung tâm Hà Nội và không gian ngầm - 1

Hầm đường bộ Trung Hòa - Nhân Chính tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện có khoảng 26 quốc gia trên thế giới có từ một đến nhiều TP ngầm. Đối với những đô thị đang phát triển vấn đề phát triển không gian ngầm lại càng quan trọng.

Nó không chỉ giải bài toán hạn chế về không gian trong quy hoạch phát triển đô thị mà còn tạo ra giải pháp thích hợp đảm bảo yếu tố GPMB, không tác động nhiều đến dân cư trên mặt đất.

Không nằm ngoài xu thế

Đối với Hà Nội, tại các quy hoạch chung đều đã khẳng định sự cần thiết phát triển không gian ngầm.

Đặc biệt, trong quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 đã xác định phải phát triển không gian ngầm.

Đó là không gian ngầm sử dụng cho các trung tâm thương mại dịch vụ, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, kết nối đảm bảo an ninh quốc phòng.

Trên thực tế, từ năm 1996 một số công trình trung tâm thương mại, khách sạn tại Hà Nội đã bắt đầu xây dựng từ 2 - 4 tầng hầm nhưng độ sâu là bao nhiêu lại hoàn toàn tự phát theo quyết định của các chủ đầu tư chứ chưa theo khống chế quy chuẩn nào.

Từ những năm 2000 đến nay, Hà Nội đã áp dụng và có giải pháp tương đối tốt đối với một số công trình nút giao thông ngầm như hầm ngầm Kim Liên, hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa, các bãi xe ngầm, tầng hầm tại một số công trình khách sạn, trung tâm thương mại…

Hiện tại, tuyến đường sắt đô thị số 3 đang bắt đầu thi công ngầm và các nhà ga ngầm. Bên cạnh đó, TP cũng đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường cống thoát nước, đường điện, nước...

Tuy nhiên, những công trình ngầm đã và đang có chỉ là các công trình đơn lẻ mang tính cục bộ, chỉ khai thác cho một mục đích riêng chứ chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, từ những kinh nghiệm và xu thế của thế giới, từ mục tiêu khai thác tài nguyên, đặc biệt từ hiện trạng phát triển ngầm đã đến lúc Hà Nội cần xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, đồng bộ.

Xác định phát triển đô thị ngầm, tạo nên thế giới dưới lòng đất là xu thế tất yếu, từ năm 2015, Hà Nội đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồ án quy hoạch chung này có phạm vi nghiên cứu chính thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.

Ngoài ra, khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối không gian xây dựng ngầm 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên. Đến đầu năm 2016, UBND TP đã giao Viện Quy hoạch - Xây dựng Hà Nội nghiên cứu lập quy hoạch cho đồ án này.

Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, đến nay Đồ án đã hoàn chỉnh, được Sở QH - KT tổ chức thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện trình UBND TP phê duyệt.

Hệ thống không gian ngầm đồng bộ

Về hiện trạng công trình ngầm trong phạm vi đô thị trung tâm Hà Nội, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, hiện có 615 công trình xây dựng có không gian ngầm, mật độ phân bố công trình tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị hóa phía Nam sông Hồng (với 579 công trình, chiếm 94%).

Phần lớn không gian xây dựng ngầm của các dự án có từ 1 - 3 tầng chủ yếu phục vụ đỗ xe, ngoại trừ một số công trình tổ hợp lớn có kết hợp bố trí chức năng thương mại dịch vụ trong tầng hầm (như khu Royal City, Time City, tòa nhà Lotte Center...).

Không gian ngầm của các công trình hiện có thiếu tính liên kết với nhau và khả năng dự phòng kết nối với hệ thống đường sắt đô thị ngầm sau này.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện có cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sinh hoạt đời sống và yêu cầu phát triển của TP. Nhiều công trình đã cũ, quá trình cải tạo thiếu đồng bộ, các công trình hạ tầng ngầm chính chủ yếu bố trí dưới lòng đường giao thông khó khăn trong công tác cải tạo, sửa chữa...

Từ thực trạng này, Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến giải quyết tổng thể, đồng bộ không gian xây dựng ngầm.

Đặc biệt là giao thông ngầm, theo quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ ngầm chủ yếu bố trí tại các nút giao thông khác mức, các quảng trường (quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình...), các khu vực công trình đầu mối đường sắt quốc gia (khu vực ga Hà Nội, ga Ngọc Hồi...).

Bên cạnh đó, mạng lưới đường sắt đô thị ngầm gồm: Các tuyến số 2, số 3, số 4, số 5 và số 8 xây dựng kết hợp giữa đi trên cao, trên mặt đất và đi ngầm với tổng chiều dài xây dựng ngầm khoảng 68,5km trong phạm vi khu vực nội đô và 61 ga ngầm trên các tuyến…

Đáng chú ý, quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 79 địa điểm, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 107,03ha, công trình xây dựng từ 3 - 4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm đỗ xe và cho phép bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ).

Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin, do đã có quy hoạch tổng thể về không gian ngầm, tránh chồng chéo, lãng phí, Sở QH - KT Hà Nội đã có Công văn đề xuất UBND TP về việc dừng triển khai đồ án quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng.

Với những yêu cầu cấp bách trong phát triển đô thị hiện nay, nhất là về giao thông, quy hoạch không gian ngầm trung tâm TP Hà Nội cần sớm được hiện thực hóa.

Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống quy định từ quản lý, sở hữu đến quy chuẩn kỹ thuật cho loại công trình này. Nhất là chuẩn bị một nguồn lực căn bản để phát triển hệ thống không gian ngầm đồng bộ, tránh tình trạng “tắc trên, nghẽn dưới”.

"Khi các không gian ngầm hình thành sẽ phát sinh vô vàn tình huống như đầu tư, sở hữu, tranh chấp, bảo hiểm rủi ro, bảo lãnh đầu tư… đòi hỏi các cơ quan quản lý không thể đứng ngoài. Giải quyết ổn thỏa những thách thức và cơ hội từ các công trình này, tập hợp tài liệu và xây dựng nguồn nhân lực cho những công việc phức tạp, mới mẻ này sẽ là bước tiến mới để Hà Nội hiện đại, văn minh hơn." - Ủy viên Hội KTS Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh

Theo Vũ Lê

Báo Kinh tế & đô thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm