Hà Nội: Sau thông tin lên quận, đất Gia Lâm “nóng” lên từng ngày
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, mức tăng đất ở tại huyện Gia Lâm hiện nay là chấp nhận được, tuy nhiên vẫn phải đề phòng các cơn sốt đất ảo.
Cuối năm 2019, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng huyện Gia Lâm thành quận vào năm 2025.
Theo dự án xây dựng này, huyện Gia Lâm được tập trung phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung theo hướng đô thị.
Trước giai đoạn nước rút để lên quận, giá nhà đất tại huyện Gia Lâm tăng rất nhanh, các vị trí có mức tăng không đều.
Khảo sát của PV Dân trí, giá nhà đất tại khu vực huyện Gia Lâm đã tăng bình quân từ 10 - 15%. Đặc biệt, ở những khu vực có các dự án lớn, giá nhà đất còn tăng khoảng 30% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Cụ thể, giá nhà đất bình quân của Gia Lâm dao động từ 15 - 60 triệu đồng, tùy từng khu vực và vị trí. Trong khi đó, vào năm 2015, giá đất bình quân của Gia Lâm chỉ từ 10 - 30 triệu đồng/ m2. Như vậy, giá nhà đất tại đây đã tăng gấp rưỡi, một số khu vực còn tăng gấp đôi sau 5 năm.
Khu vực “hot” nhất huyện Gia Lâm thuộc về một số trục đường chính, gần với một số dự án "siêu" đô thị cao cấp như: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đặng Xá hay Trâu Quỳ, giá đất nền đã lên mức 50 - 60 triệu đồng/ m2. Thậm chí, một số dự án bất động sản cao cấp còn rao bán tới 100 - 150 triệu đồng/ m2.
Một văn phòng nhà đất tại Gia Lâm đang rao bán 1 mảnh đất có diện tích 32 m2 tại Kiêu Kỵ với mức giá là 1,8 tỷ đồng, tương đương gần 60 triệu đồng/ m2. Đơn vị này cho biết, nếu như trước đó khoảng 5 - 6 năm, mỗi m2 tại đây chỉ có giá khoảng 10 - 18 triệu đồng, nhưng hiện nay đã tăng gấp đôi.
Tương tự, một mảnh đất 33,3 m2 tại khu vực Thượng Thanh đang được chủ nhân rao bán 55,5 triệu đồng/ m2. Vị trí ngôi nhà là mặt ngõ nhỏ, không giáp với trục đường chính.
Đại diện của văn phòng nhà đất này đánh giá khu vực Kiêu Kỵ và một số vùng lân cận rất có nhiều tiềm năng để đầu tư: “Kể từ khi Gia Lâm đón nhận nhiều dự án bất động sản cao cấp đã khiến giá đất tại khu vực Kiêu Kỵ tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư đã nhanh tay thu mua số lượng lớn, để đầu cơ, chờ tăng giá”, vị này nói.
Trao đổi với PV báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, mức tăng nhà ở tại khu vực Gia Lâm hiện nay là chấp nhận được, các nhà đầu tư mới vẫn có cơ hội tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này.
Bên cạnh đó, ông Đính nhận định, khu vực Gia Lâm đang nhận rất nhiều dự án bất động sản “khủng”, từ đó sẽ là động lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho sự phát triển bất động sản trong tương lai.
“So với mặt bằng chung của thị trường bất động sản, khu vực đất ở tại Gia Lâm tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây, song mức tăng hiện nay chưa có dấu hiệu sốt ảo hoặc tạo thành bong bóng bất động sản. Nên việc đầu tư là có tiềm năng”, ông Đính nói.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, với đề án xây dựng huyện Gia Lâm lên quận là một tín hiệu đáng mừng đối với Gia Lâm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư ngắn hạn hết sức thận trọng đối với cơn "sốt" đất và lưu ý tới khả năng thanh khoản với khoản đầu tư của mình: “Lộ trình để huyện Gia Lâm lên quận là tới năm 2025, từ nay cho tới thời điểm đó, thị trường bất động sản sẽ có sự điều chỉnh để phản ánh giá trị thực để phù hợp với một số yếu tố về dân số, cơ sở hạ tầng,...”.
Bà Hằng lấy ví dụ về hiện tượng sốt đất ở Đông Anh. Sau một thời gian đạt “đỉnh”, giá nhà đất tại Đông Anh đã giảm, khiến nhiều nhà đầu tư đã không đạt được lợi nhuận như kỳ vọng: “Đây chính là bài học cho các nhà đầu tư lướt sóng”, bà Hằng nói.
Việt Vũ