TPHCM sẽ phát triển 6 vùng đô thị, chú trọng nhà chung cư
(Dân trí) - TPHCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, được tổ chức thành 6 phân vùng, hướng đến tạo lập môi trường sống, làm việc và sáng tạo chất lượng cao.
Định hướng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
TPHCM là thành phố toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có trình độ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới; là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, có vai trò là cực tăng trưởng, động lực thúc đẩy phát triển vùng phía Nam và cả nước.
TPHCM cũng sẽ là khu vực có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Đồ án đặt ra mục tiêu phát triển không gian đô thị theo hướng thúc đẩy sáng tạo, tương tác cao gắn với phát triển kinh tế tri thức, công nghệ cao. Đồng thời, hình thành các khu vực động lực để phát huy vai trò trung tâm vùng và cực tăng trưởng của cả nước.
Ngoài ra, đồ án cũng đặt vấn đề tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TPHCM với các địa phương lân cận, với cả nước và quốc tế theo chiến lược và trọng điểm; tăng cường kết nối giữa các khu vực trong thành phố nhằm tổ chức hoạt động đô thị hiệu quả; phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD).

TPHCM sẽ phát triển 6 vùng đô thị (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn).
6 vùng đô thị
Theo quy hoạch mới, TPHCM sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, được tổ chức thành 6 phân vùng là trung tâm, Đông, Tây, Bắc, Nam và Đông Nam. Mỗi vùng sẽ có chức năng tổng hợp, gắn với các khu vực phát triển trọng điểm quốc gia và quốc tế, hướng đến tạo lập môi trường sống, làm việc và sáng tạo chất lượng cao.
Cụ thể, phân vùng đô thị trung tâm gồm khu vực nằm phía trong đường Vành đai 2 và nằm phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ.
Phân vùng phía Đông gồm thành phố Thủ Đức hiện nay, dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Thủ Đức.
Phân vùng phía Tây gồm khu vực phía Bắc phân vùng đô thị trung tâm và một phần khu vực phía Nam - phần nằm phía Tây sông Cần Giuộc của huyện Bình Chánh và phần phía Tây Quốc lộ 1 thuộc quận Bình Tân hiện nay, dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Bình Chánh.
Phân vùng phía Bắc gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và phần phía Bắc Quốc lộ 1 thuộc Quận 12 hiện nay, dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Củ Chi - Hóc Môn.
Phân vùng phía Nam gồm khu vực phía Nam Kênh Đôi thuộc Quận 8, khu vực phía Đông sông Cần Giuộc thuộc huyện Bình Chánh, Quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay, dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Quận 7 - Nhà Bè.
Phân vùng phía Đông Nam gồm toàn bộ huyện Cần Giờ hiện nay, dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Cần Giờ.
Cấu trúc khung không gian kết nối phân vùng đô thị trung tâm với các phân vùng đô thị thông qua 9 trục xuyên tâm (4 trục Bắc - Nam và 5 trục Đông - Tây), 3 Vành đai (Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4), 2 hành lang phát triển mới (hành lang phát triển dọc sông Sài Gòn, hành lang kinh tế ven biển) đan xen các khu vực sinh thái và các khu vực phát triển đô thị.
Tổ chức hành lang phát triển dọc sông Sài Gòn là điểm đến mang đậm bản sắc gắn với cảnh quan và lịch sử hình thành phát triển của thành phố.
TPHCM sẽ phát triển đô thị kết hợp hệ thống giao thông công cộng, kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông quốc gia, quốc tế, tạo hành lang phát triển kinh tế.
Rừng ngập mặn Cần Giờ và hệ thống sông rạch (sông Sài Gòn, Đồng Nai, Cần Giuộc, kênh Thầy Cai, Xáng…) là khung cấu trúc tự nhiên, kết hợp công viên cây xanh, tạo mạng lưới không gian sinh thái và hành lang thoát nước, quản lý ngập lụt.
Đồ án cũng xác định phát triển nhà ở chung cư chiếm tỷ trọng lớn trong các loại hình xây dựng nhà ở mới; khuyến khích phát triển theo mô hình đô thị nén, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, gắn với việc hình thành, mở rộng các khu vực có nhu cầu sử dụng lao động như khu công nghiệp, các trung tâm dịch vụ, trường đại học...
Thành phố sẽ phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung, nhà ở công nhân, nhà ở học sinh, sinh viên... đồng bộ với việc phát triển các trung tâm đào tạo, khu công nghiệp, khu chế xuất tại các phân vùng phát triển. Cùng với đó là tập trung về các khu chức năng của đô thị, các khu vực phát triển TOD và các khu vực trọng điểm phát triển. Tổng quy mô quỹ đất đến năm 2040 khoảng 1.400ha.
Thành phố ưu tiên phát triển quỹ nhà ở chi phí thấp và nhà ở cho thuê, xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên; xây dựng quỹ nhà ở chính sách dành cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.