Phát triển đô thị để phát triển kinh tế quốc gia toàn diện, vững chắc
Phát triển đô thị gắn kết với quá trình công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội.
Khu vực đô thị không chỉ tạo tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình và cơ cấu tăng trưởng trong dài hạn, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, góp phần giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Phát triển đô thị, đô thị hóa giai đoạn 2015 - 2020
Trong giai đoạn 2015 - 2020, để chỉ đạo công tác phát triển đô thị hướng tới mục tiêu CNH, HĐH của đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra nhiệm vụ “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững…”.
Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của BCH Trung ương Đảng khóa XII đề ra chủ trương “Thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hóa trong tiến trình CNH, HĐH; kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế đô thị, tổ chức bộ máy chức năng nhiệm vụ và phương thức quản lý của chính quyền đô thị”.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thể chế hóa, từng bước hoàn chỉnh luật pháp, cơ chế chính sách điều chỉnh vấn đề phát triển đô thị. Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với BĐKH; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các đô thị”.
Đảng bộ Bộ Xây dựng đã chỉ đạo xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch hành động của ngành Xây dựng, của Bộ Xây dựng nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nhằm đẩy mạnh công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch; nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số Quyết định để đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng đô thị hóa như: Đề án Phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam, Đề án phát triển đô thị thông minh.
Đồng thời chỉ đạo rà soát, nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Chỉ thị về công tác tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, phát triển đô thị, phát triển hệ thống dịch vụ đô thị (Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 27/7/2015, Chỉ thị số 05/CT-TTg 01/3/2019 và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Trong giai đoạn 2015 - 2020, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến tích cực: Đến nay, toàn quốc có 858 đô thị (năm 2015 có 787 đô thị); tỷ lệ đô thị hóa cuối năm 2020 ước đạt 40% (năm 2015 đạt 35,7%); tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15% (cao gấp 1,2 - 1,5 lần trung bình cả nước, riêng Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đóng góp khoảng 35%).
Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Nội vụ, các Bộ ngành và địa phương triển khai sắp xếp 144 đô thị.
Bên cạnh các thành tựu đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế: Hệ thống đô thị phát triển chưa hài hòa, đồng bộ giữa tăng số lượng với chất lượng, chưa đảm bảo tính liên kết phát triển, chưa giải quyết tốt chênh lệch về trình độ phát triển; hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giải quyết ùn tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường…, tăng chi phí vận tải, logistic và tăng phát thải.
Nguồn lực phát triển đô thị còn thiếu, sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả; quản lý đầu tư còn nhỏ lẻ chưa theo quy hoạch, kế hoạch; năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển đô thị; năng lực cạnh tranh đô thị còn thấp.
Nguyên nhân do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa điều chỉnh hiệu quả thực tiễn phát triển. Lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị chưa đáp ứng các nguyên tắc phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa đồng bộ, gắn kết phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng và đất đai.
Hệ thống tài chính đô thị chậm đổi mới, việc quản lý, sử dụng, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý. Mô hình, năng lực chính quyền đô thị và tổ chức bộ máy đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển đô thị.
Thúc đẩy vai trò đô thị là động lực phát triển
Đề thúc đẩy vai trò đô thị là động lực phát triển kinh tế của quốc gia, các vùng lãnh thổ của đất nước, góp phần xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của đất nước, phát triển hệ thống đô thị cần được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Đảng ủy Cục Phát triển đô thị sẽ tiếp tục chỉ đạo việc đẩy mạnh nghiên cứu, rà soát, tổng kết tình hình thực tiễn để tham mưu báo cáo Bộ Xây dựng, trọng tâm tập trung vào một số nhiệm vụ chính sau đây:
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật quản lý phát triển đô thị; cơ chế, chính sách liên kết vùng, liên kết phát triển đô thị và nông thôn; cơ chế chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, tài chính đô thị.
Đổi mới mô hình phát triển đô thị hướng phát triển bền vững, thông minh; tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tạo động lực tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và thương hiệu của đô thị.
Nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng; xử lý ách tắc, ngập úng; quản lý môi trường, chất thải, nước thải bằng các giải pháp công nghệ thông minh.
Nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị. Đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp, đa ngành; chương trình phát triển đô thị xác lập khung hợp tác công và tư.
Đổi mới mô hình chính quyền đô thị gắn quản trị đô thị với Chính phủ điện tử; minh bạch thông tin, dữ liệu. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị.