TP.HCM muốn lập thành phố phía đông: Chưa có tiền lệ
TP.HCM xin hướng dẫn thành lập thành phố phía đông nhưng chuyên gia băn khoăn việc hướng dẫn dựa trên cơ sở pháp luật nào khi chưa có tiền lệ.
Sở Nội vụ TP.HCM mới đây đã gửi văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ thành lập thành phố phía đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở gộp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức.
Sở Nội vụ TP.HCM cho biết việc thành lập thành phố phía đông sẽ được UBND TP thực hiện song song với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã; dự kiến sau khi thành lập có diện tích tự nhiên hơn 211,5 km2, dân số hơn 1,1 triệu người.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Hành chính, đề nghị trên của TP.HCM là hết sức bình thường, dựa trên cơ sở nghiên cứu, xuất phát từ thực tế, còn thẩm quyền quyết định thuộc về Quốc hội.
"Khi địa phương có nhu cầu thành lập thành phố thì có thể làm đề án và đề nghị, còn theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh", PGS.TS Nguyễn Hữu Tri nói.
Trong khi đó, KTS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM bày tỏ băn khoăn cơ sở pháp luật nào để Bộ Nội vụ hướng dẫn TP.HCM quy trình, thành phần hồ sơ thành lập thành phố phía đông trực thuộc TP.HCM?
"Sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố phía đông nghĩa là từ đô thị loại cao xuống đô thị loại thấp hơn, là thành lập thành phố bên trong thành phố, chưa có tiền lệ vì thông thường dưới cấp thành phố chỉ có cấp quận.
Vì chưa có quy định pháp luật nào về vấn đề này nên tôi không rõ Bộ Nội vụ sẽ hướng dẫn TP.HCM như thế nào.
Nếu TP muốn hướng dẫn theo kiểu làm thí điểm, nghiên cứu để đưa ra một mô hình và mô hình đó được đưa ra Quốc hội để phê duyệt thì là chuyện khác.
Còn bây giờ đưa ra đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn thì rất khó, vì Bộ muốn hướng dẫn thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật, trong khi quy định chưa có", KTS Võ Kim Cương bày tỏ.
Bên cạnh đó, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lưu ý, khu phía đông của TP.HCM có tiềm năng rất lớn, có điều kiện cần để lập thành phố nhưng muốn đủ phải tạo thêm những điều kiện nữa. Đó là phải xây dựng được chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu vực này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, giao thông.
Nói rõ hơn về vấn đề này, trong lần trao đổi trên báo chí trước đó, KTS.TS Võ Kim Cương đã khẳng định, quy hoạch phát triển khu đông TP.HCM thành một thành phố hiện đại với các chức năng mới như đô thị sáng tạo xung quanh khu công nghệ cao, đô thị khoa học xung quanh Đại học Quốc gia, khu vực tài chính xung quanh Thủ Thiêm, khu văn hóa mới, thể thao mới… đã có từ lâu rồi, bây giờ phải có kế hoạch cụ thể hóa ra.
Trong đó, phải xem lại và có sự điều chỉnh mới hệ thống giao thông khu đông. Ví dụ, các hệ thống đường vành đai như bây giờ, nếu các khu vực đó là khu vực trung tâm (thành phố phía đông) rồi thì ý nghĩa vành đai giảm, nó trở thành các trục đi xuyên qua khu vực phía đông, nên cần các vành đai khác hoặc trục nối kết ra ngoài khu đô thị này.
"Dĩ nhiên, TP.HCM không thể chờ xong những vấn đề này mới lập cơ quan quản lý", KTS Võ Kim Cương nói.
Theo ông, cơ quan quản lý có thể ra đời trước đối tượng phát triển, do đó để phát triển một thành phố, tổ chức một bộ máy quản lý sự phát triển đó trước không có vấn đề gì. Bộ máy đó sẽ đứng ra lo từ vấn đề quy hoạch tới các nguồn tài chính, tổ chức đầu tư...
"TP.HCM muốn thành lập thành phố phía đông thì phải giải quyết các vấn đề đó. Tuy nhiên, nếu để bộ máy của thành phố gánh công việc đó thì hơi nặng nên có lẽ TP sẽ tách ra một phần để lo việc này.
Thực ra, nếu thực sự có quyết tâm và linh hoạt thì vẫn làm được, chỉ là ghép 3 quận lại với nhau, nhưng luật chưa quy định thành ra khó", ông nói.
Theo Thành Luân
Báo Đất Việt