"Thủ tục xây nhà cho người nghèo khó hơn thủ tục xây nhà cho người giàu"

(Dân trí) - Dự định đầu tư xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp tại tỉnh Long An nhưng chỉ mới xây được 800 căn thì doanh nghiệp đã... đuối sức do “vướng” nhiều thủ tục hành chính.

Nhu cầu bức thiết

 Tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất", diễn ra tại TPHCM sáng 21/5, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã "khóc ròng" trước vấn đề thủ tục hành chính quá... rườm rà khi thực hiện các dự án xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân trong khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Thủ tục xây nhà cho người nghèo khó hơn thủ tục xây nhà cho người giàu - 1
Nhiều ý kiến về nhà ở cho công nhân được đưa ra tại Hội thảo Nhà ở tại Khu Công nghiệp, Khu chế xuất mà báo Pháp luật TPHCM tổ chức vào sáng 21/5.

Theo thống kê, TPHCM hiện có 17 KCX, KCN và khu công nghệ cao với khoảng 1.600 nhà máy, trong đó có trên 1.300 nhà máy đang hoạt động. Riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có 500 nhà máy. Hiện các KCX, KCN và khu công nghệ cao đang sử dụng 2.500 chuyên gia nước ngoài, 10.000 kỹ sư và hơn 300.000 công nhân.

Đáng chú ý, trong hàng trăm ngàn công nhân nói trên thì có tới 70% có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, chỗ gửi trẻ. Để giải quyết nhu cầu này, một số KCX, KCN đã xây nhà lưu trú cho công nhân. Điều này đã đáp ứng được phần nào nhu cầu về chỗ ăn, ở, học hành của công nhân, người lao động và gia đình.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, một công nhân làm việc tại KCX Linh Trung (quận Thủ Đức) cho biết, nếu được công ty xây dựng nhà nội trú cho công nhân vào ở miễn phí thì chắc chắn rằng người lao động sẽ yên tâm làm việc tốt hơn và gắn bó lâu dài. Bởi lẽ, tiền lương của lao động không cao nhưng chi phí thuê nhà trọ ở bên ngoài ngày càng “đắt đỏ”. Cho nên, nếu cắt giảm được nỗi lo về việc ăn ở thì hiển nhiên những người công nhân sẽ tận tụy làm việc với năng suất cao.

Ông Trần Công Khanh, Trưởng Phòng quản lý lao động, Ban Quản lý các KCX, KCN TPHCM cho rằng, xây nhà lưu trú cho công nhân là một vấn đề hết sức bức bách, cần thiết. Bởi lẽ, số lượng công nhân là dân nhập cư vào TPHCM ngày càng tăng cao, theo đó nhu cầu chỗ ở ngày càng “nóng”.

Để giải quyết được vấn đề này thì trách nhiệm chính là thuộc về các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt khác, “kênh chủ lực” xây dựng nhà lưu trú cho công nhân cũng có thể là các doanh nghiệp sử dụng lao động.

“Việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong các KCX, KCN rất là tốt và cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Các nguồn lực thực hiện việc này thì trách nhiệm chính thuộc về các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, đối với nguồn lực thứ hai là từ các doanh nghiệp trong KCX, KCN thì họ cũng có sự quan tâm và có trách nhiệm xây dựng nhà lưu trú”, ông Khanh nói.

Thủ tục xây nhà cho người nghèo khó hơn thủ tục xây nhà cho người giàu - 2
Ông Trần Công Khanh đánh giá việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp rất là tốt và cần phát huy hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Ngán cảnh: "cà rề... cà rề"

Dưới góc nhìn là một nhà đầu tư, ông Trần Đức Vinh, Giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Long An (Trần Anh Group) cho biết, nhận thấy Long An là tỉnh có rất nhiều KCN nên công ty ông đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại tỉnh này. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng 800 căn hộ ở Long An vào thời gian qua, công ty ông đã gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, ngoài vấn đề đất sạch thì công ty ông đã bị xử phạt hành chính vì không có giấy phép xây dựng. Trong khi đó, nếu muốn có giấy phép xây dựng thì phải có giấy kiểm định về phòng cháy chữa cháy. Đó là chưa kể đến việc xin giấy phép về phòng cháy chữa cháy cũng rất rườm rà, khó khăn.

“Lẽ ra chúng tôi đầu tư 10.000 căn nhưng cuối cùng đầu tư mới 800 căn đã thấy “không nỗi nữa”. Tới hội thảo này, tôi mong rằng cơ quan chức năng tại TPHCM cũng như ở Long An có một cách nào đó để giúp đỡ những doanh nghiệp bất động sản đầu tư nhà ở xã hội được tốt hơn. Nếu được cơ quan chức năng hỗ trợ thì chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư 10.000 căn giáp ranh với các khu công nghiệp hiện hữu tại Long An”, ông Vinh nói.

Liên quan tới vấn đề thủ tục hành chính khi xây nhà ở xã hội cho công nhân, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cũng cho rằng, thủ tục xây nhà cho người nghèo còn khó hơn thủ tục xây nhà cho người giàu.

Theo ông Đực, về mặt thủ tục hành chính thì xây nhà cho ai cũng như nhau. Tuy nhiên, thủ tục xây nhà cho người giàu thì vì họ có tiền nên thủ tục “chạy rất nhanh”. Còn xây nhà cho người nghèo thì vì họ ít tiền nên thủ tục cứ “chạy cà rề… cà rề”.

Thủ tục xây nhà cho người nghèo khó hơn thủ tục xây nhà cho người giàu - 3
Trong hàng trăm ngàn công nhân nói trên thì có tới 70% có nhiều nhu cầu về nhà ở, chỗ gửi trẻ.

Ông Đực cũng chia sẻ, thực tế khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp rất khó thu hồi vốn nhanh chóng và ít có lãi. Tuy nhiên, vấn đề thủ tục hành chính khi đầu tư xây dựng nhà ở doanh nghiệp lại gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục.

Chính vì vậy, theo ông Đực, để việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp được thành công thì doanh nghiệp chỉ có thể đóng góp 30% và quyết định còn lại là ở chính quyền, chính sách.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm