Thiết kế vách rơm độc đáo ở miền núi Kochi: Nơi kết nối quá khứ và hiện tại

Mai Nâu

(Dân trí) - Thiết kế sử dụng rơm - vật liệu đặc biệt có liên quan tới văn hóa "Cha Do" - như một phương tiện kết nối quá khứ với hiện tại.

Thiết kế vách rơm độc đáo ở miền núi Kochi: Nơi kết nối quá khứ và hiện tại - 1

Khu phức hợp Yusuhara Machino-eki. (Ảnh: Takumi Ota)

Yusuhara Machino-eki là khu phức hợp gồm chợ bán sản phẩm địa phương và một khách sạn nhỏ với 15 phòng. Kết hợp hai chức năng khác nhau thông qua một không gian thông tầng, nơi này ra đời để phục vụ Yusuhara, thị trấn 3.900 dân trên vùng núi Kochi của Nhật Bản.

Yusuhara nổi tiếng là thị trấn trông ra con lộ chính thường được tướng quân lừng danh Sakamoto Ryoma, người đã góp phần khởi xướng cuộc Duy tân Minh Trị, lui tới. Dọc con đường này, có nhiều trạm nghỉ, gọi là “Cha Do” dành cho khách du lịch. Cha Do không chỉ là nơi đặt phòng vệ sinh mà còn là một kiểu trung tâm văn hóa, phục vụ trà miễn phí.

Với nỗ lực tôn vinh lịch sử, Yusuhara Machino-eki đã được thiết kế sử dụng rơm - vật liệu đặc biệt có liên quan tới văn hóa "Cha Do" - như một phương tiện kết nối quá khứ với hiện tại.

Thiết kế vách rơm độc đáo ở miền núi Kochi: Nơi kết nối quá khứ và hiện tại - 2

Phần mái tranh rất đẹp của công trình. (Ảnh: Takumi Ota)

Kính được lắp ở phần dưới của tòa nhà, bao gồm cả lối vào chợ, có thể mở cửa bất cứ thời điểm nào trong ngày, và phía trên là những khối rơm có kích thước 2.000x980mm, một loại vách che độc đáo chưa từng có.

Với mái tranh thông thường, các bó rơm sẽ được cố định thẳng đứng với móng, tuy nhiên, ở Yusuhara Machino-eki, rơm được đặt theo chiều ngang so với móng và phần đầu không tiếp xúc với mưa. Vì vậy, hiệu quả sử dụng sẽ lâu dài. Ngoài ra các khối rơm còn được gắn trục thép nên có thể xoay và lấy được không khí trong lành bên ngoài. Thiết kế này giúp việc bảo dưỡng trở nên dễ dàng hơn.

Thiết kế vách rơm độc đáo ở miền núi Kochi: Nơi kết nối quá khứ và hiện tại - 3

Nội thất bên trong một phòng nghỉ. (Ảnh: Takumi Ota)

Được lắp đặt ở góc phía Đông của toà nhà, các kiến trúc sư đã quyết định không phủ kín toàn bộ không gian mà đặt các bó rơm so le, cho phép người dùng có thể sử dụng cửa sổ khi dùng phòng khách sạn. Các phòng nghỉ đều có nội thất thân thiện với môi trường, sử dụng gỗ ốp cho cả trần và nền nhà, tủ và giường. Không gian đảm bảo đầy đủ ánh sáng nhờ cửa sổ lớn ở phía đối diện tường rơm.

Thiết kế vách rơm độc đáo ở miền núi Kochi: Nơi kết nối quá khứ và hiện tại - 4

Gỗ tuyết tùng được dùng làm thanh đỡ và nội thất bên trong. (Ảnh: Takumi Ota)

Yusuhara Machino-eki còn có một điểm đặc biệt khác trong thiết kế. Đó là những khối gỗ tuyết tùng có vỏ xử lý kiểu mộc, dùng làm nội thất bên trong. Với những vật liệu có kết cấu thô như vậy, khu phức hợp này trở thành một nơi thể hiện được cá tính độc đáo của Yusuhara.